Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

KDQT - Tình huống 3: NAFTA và ngành công nghiệp dệt Mỹ(CC)

Tình huống 3: NAFTA và ngành công nghiệp dệt Mỹ

Khi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực vào năm 1994, nhiều lo ngại rằng tình trạng mất việc làm trong ngành công nghiệp dệt may Hoa kỳ sẽ xảy ra vì nhiều công ty di chuyển nhà máy sản xuất từ Hoa kỳ sang Mehico. Nhiều sự phản đối NAFTA mạnh mẽ, lập luận rằng hiệp ước không nên được ký kết vì nó mang lại nhiều tác động tiêu cực đối với lao động Hoa kỳ, nhưng không thành công. Nhìn lướt qua dữ liệu sau khi thông qua NAFTA 10 năm đã cho các nhà phê bình một điểm đáng chú ý. Giữa năm 1994 và 2004, sản xuất hàng may mặc giảm 40% và hàng dệt giảm 20% trong khi nhu cầu may mặc của Mỹ tăng 60%. Trong cùng khoảng thời gian, người lao động trong các nhà máy dệt ở Hoa kỳ giảm từ 478.000 lao động xuống còn 239.000 lao động, lao động trong ngành may mặc giảm mạnh từ 858.000 xuống còn 296.000 trong khi đó xuất khẩu hàng dệt may từ Mehico vào Hoa kỳ tăng từ 1.26 tỷ Đô-la lên 3.84 tỷ Đô-la. 



Những thông tin này minh chứng một điều rằng tình trạng mất việc làm đã xảy ra suốt giai đoạn chuyển dịch sản xuất từ Hoa kỳ sang Mehico. Có bằng chứng để bổ trợ sự khẳng định này. Ví dụ như năm 1995, Fruit of the Loom Inc, nhà sản xuất lớn nhất quần áo lót ở Hoa kỳ nói rằng công ty sẽ phải đóng cửa 6 nhà máy ở Hoa kỳ, cắt giảm hoạt động ở hai nhà máy khác, sa thải khoảng 3200 công nhân (12% số lao động của nó). Công ty đã thông báo rằng việc đóng cửa là một phần của kế hoạch dịch chuyển hoạt động sang nhà máy khác có chi phí rẻ hơn ở nước ngoài, đặc biệt là Mehico. Trước khi đóng cửa, ít hơn 30% hàng may mặc của công ty được thực hiện bên ngoài nước Mỹ nhưng công ty đã lên kế hoạch dịch chuyển phần lớn công việc sang Mehico. Đối với các nhà sản xuất vải dệt, ưu điểm của Mehico là lực lượng lao động và nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ. Tiền lương cho mỗi công nhân Mehico trung bình ở khoảng 10 Đô cho đến 20 Đô một ngày, rẻ hơn nhiều so với mức 10 Đô đến 12 Đô một giờ cho nhân công ở Mỹ. Tuy vậy, tình trạng mất việc làm ở ngành công nghiệp dệt may Mỹ không có nghĩa là những tác động tổng thể của NAFTA hoàn toàn tiêu cực. Giá quần áo ở Hoa kỳ đã giảm xuống từ năm 1994 vì sản xuất đã di chuyển từ nơi có chi phí sản xuất cao(Hoa kỳ) đến nơi có chi phí sản xuất thấp hơn(Mehico). Những khách hàng hưởng lợi từ việc này sẽ tiết kiệm được nhiều tiền để có thể chi cho các khoản khác. Chi phí dành cho một chiếc quần jean từ 55$ năm 1994 đã giảm còn 48$ ngày nay. Năm 1994, giá bán sỉ 10 chiếc T- Shirt là 24$, ngày nay chỉ còn 14$. Thêm vào đó, việc chuyển dịch sản xuất sang Mehico đã mang lại lợi ích cho nền kinh tế Hoa kỳ dưới nhiều hình thức khác nhau. Mặc dù dịch chuyển các nhà máy sản xuất vải và hàng may mặc sang Mehico nhưng việc xuất khẩu của các nhà máy sản xuất sợi(yarn maker) ở Mỹ vẫn tăng trưởng, nhiều công ty trong số này thuộc về ngành công nghiệp hóa chất[1]. Trước khi ký kết NAFTA, nhà sản xuất sợi Hoa kỳ, chẳng hạn như E.I DuPont, chỉ cung cấp một lượng nhỏ sản phẩm vào Mehico. Tuy nhiên, sau khi hàng may mặc chuyển sang Mehico, xuất khẩu vải và sợi sang quốc gia này đã tăng. Các nhà sản xuất sợi ở Mỹ đã cung cấp 70% nguyên vật liệu cho các cửa hàng may vá ở Mehico. Giữa năm 1994 và 2004, xuất khẩu sợi và cotton của Mỹ sang Mehico đã tăng từ 293 triệu Đô-la lên đến 1.21 tỷ Đô-la. Hơn thế nữa, mặc dù ngành công nghiệp dệt Mỹ đã mất việc làm, nhưng những người ủng hộ NAFTA cho rằng kinh tế Mỹ được hưởng lợi nhờ giá cả quần áo rẻ hơn và các ngành công nghiệp khác như vải và sợi đã gia tăng lượng xuất khẩu. Những người ủng hộ NAFTA cũng đồng ý rằng thương mại cũng được tạo ra nhờ NAFTA. Người tiêu dùng và nhà sản xuất Mỹ trong một số khu vực nhất định đang hưởng lợi nhờ thương mại. Tất nhiên, việc thiết lập khu vực tự do thương mại này sẽ tạo ra nhiều người chiến thắng, nhiều người mất mát – và những người mất mát này chính là những lao động đã từng làm trong ngành công nghiệp dệt may, nhưng những người ủng hộ tự do thương mại thì cho rằng những điều đạt được thì lớn hơn những mất mát.

Tóm tắt tình huống và trả lời những câu hỏi sau:

1. Tại sao nhiều việc làm trong ngành dệt may Mỹ đã không còn sau khi NAFTA có hiệu lực?

2. Ai là người hưởng lợi của quá trình chuyển dịch này? Ai là người mất mát? Với nhận thức của bạn, bạn có nghĩ rằng liệu sẽ tốt hơn nếu chúng ta bảo vệ các ngành công nghiệp dễ bị tổn thương như dệt may hay chúng ta cứ để mặc nó tự làm lành các vết thương sau khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực? Những lợi ích có thể mang lại từ việc bảo vệ này? Những chi phí phải bỏ ra?



[1] Sợi polyester được dệt từ các hợp chất hữu cơ, các sản phẩm phụ từ quá trình tinh chế dầu mỏ. 




Biên dịch từ: Hill, 2011 - tài liệu đã dẫn
Người dịch: Việt QC
Xem thêm: http://www.naftanow.org/

2 nhận xét: