Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

KDQT - Tình huống 1: Toàn cầu hóa ở công ty GE(OC)


Tình huống 1: Toàn cầu hóa ở công ty GE


General Electric, công ty được thành lập bởi Thomas Edison , hiện giờ là tập toàn công nghiệp lớn nhất Châu Mỹ, chuyên sản xuất hàng loạt các hàng hóa và dịch vụ, từ trang thiết bị y tế, máy phát điện, động cơ máy bay, điện tử gia dụng, đến dịch vụ ngân hàng và thậm chí cả truyền hình (GE sở hữu kênh NBC, một trong 3 đài truyền hình lớn nhất ở Mỹ). Công ty khổng lồ này có doanh thu gần 180 tỉ $ Mỹ không phải là điều gì đó lạ lẫm với kinh doanh quốc tế. GE đã sản xuất và bán hàng ở nước ngoài qua chục năm. 



Suốt nhiệm kỳ của CEO huyền thoại Jack Welch, GE duy trì  mục tiêu đứng vị trí số 1 hoặc 2 trong mỗi ngành kinh doanh mà nó tham gia. Để thúc đẩy mục tiêu này, Jack khuyến khích và tận dụng cơ hội thường xuyên từ chiến lược đầu tư nước ngoài. GE đã nắm lấy lợi thế nền kinh tế yếu kém của Châu Âu từ năm 1989 đến năm 1995 để đầu tư 17.5 tỷ $, một nửa con số này dùng để mua lại khoảng 50 công ty. Khi đồng peso Mehico mất giá năm 1995, GE đã tận dụng cơ hội nền kinh tế đầy bất ổn này để mua lại các công ty ở Châu Mỹ La tinh . Và khi Châu Á rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng giai đoạn 1997 – 1998 do tình trạng hỗn loạn trên thị trường tiền tệ Châu Á, Welch đã kêu gọi các nhà quản lý dưới quyền ông xem nó như là một cơ hội để thâu tóm. Chỉ tính riêng thị trường Nhật, công ty đã chi 15 tỷ $ để thâu tóm các công ty khác chỉ trong vòng 6 tháng. Kết quả là, cuối nhiệm kỳ của Welch vào năm 2001, GE đã kiếm được hơn 40% doanh số từ thương mại quốc tế, tăng hơn 20% so với năm 1985.

GE dưới thời Welch, tuy vậy, vẫn chỉ là một công ty Mỹ có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Dưới sự lãnh đạo của người kế nhiệm ông, Jeffery Immelt, GE dường như trở thành một công ty toàn cầu thực sự. Doanh thu quốc tế tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn doanh thu nội địa, vượt hơn 50%  trên tổng số (doanh thu) năm 2007.  Sự tăng trưởng này ngày càng tiến triển bởi sự trợ giúp của các nền kinh tế đầy năng động ở Châu Á, đặc biệt là Ấn và Trung quốc. Hiện nay, GE đã bán nhiều động cơ máy bay thân rộng (wide-bodied jet engines ) sang Ấn độ nhiều hơn ở Hoa kỳ, và GE cũng hưởng lợi chính từ các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng  ở Trung quốc, khi nước này đang đầu tư mạnh vào sân bay, đường sắt và các nhà máy điện. Đến năm 2012, các chuyên gia ước tính rằng GE sẽ tạo ra khoảng 55 đến 60% doanh số của nó từ hoạt động kinh doanh quốc tế. 
Immelt đã thực hiện một số thay đổi quan trọng  trong cách GE được tổ chức và hoạt động. Cho đến thời gian gần đây, tất cả các hoạt động kinh doanh chính của GE đều có trụ sở chính ở Hoa kỳ
và  được kiểm soát chặt chẽ bởi văn phòng trung tâm. Sau đó vào năm 2004, GE đã di chuyển trụ sở chính của mảng kinh doanh chăm sóc sức khỏe từ Mỹ sang Lôn Đôn, quê nhà của Amersham, một công ty mà GE vừa mới thâu tóm. Tiếp đó, GE cũng di cũng di chuyển các văn phòng phụ trách các công ty kinh doanh thiết bị dầu khí sang Florence, Italy. Năm 2008, GE cũng dịch chuyển các trụ sở của công ty tài chính (GE Money) sang Lôn Đôn. Hơn thế nữa, điều này giúp cho các nhà quản lý địa phương nhiều quyền hạn hơn. 

Tại sao GE làm điều này?

Công ty tin rằng để thành công trong kinh doanh quốc tế, công ty phải ở gần khách hàng của nó hơn. Ví dụ như việc di chuyển GE Money sang Lôn-Đôn được thúc đẩy bởi mong muốn được tiếp xúc hơn với các khách hàng của nó ở Châu Âu và Châu Á. Các giám đốc điều hành ở GE Health Care thích ngồi ở Lôn-Đôn vì nó cho phép các chuyến bay đi khắp mọi nơi trên thế giới hết sức dễ dàng.

GE cũng di chuyển hoạt động nghiên cứu ra nước ngoài. Từ năm 2004 nó đã mở trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Munich - Đức, Thượng Hải - Trung quốc, Bangalore - Ấn độ. Với niềm tin là các hoạt động được đặt ở những địa thế ở các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng, GE có thể thiết kế sản phẩm phù hợp với các nhu cầu địa phương hơn. Ví dụ như GE Health Care sản xuất máy MRI scanner với chi phí 1,5 triệu $/ máy, nhưng trung tâm nghiên cứu của nó ở Trung quốc thiết kế máy MRI chỉ hết 500.000 $ và điều này dẫn đến doanh số gia tăng ở thị trường các nước đang phát triển.

GE cũng quốc tế hóa nhanh chóng hoạt động quản lý cấp cao của nó. GE đã từng được xem như là công ty thích thuê nhân viên quản lý đến từ vùng Trung Tây bởi vì họ sở hữu đạo đức làm việc mạnh mẽ, giờ đây các quản trị viên nước ngoài có mặt trong đội ngũ quản lý cấp cao hơn. Những giám đốc phụ trách các quốc gia, trước đây chỉ là người Mỹ, giờ đã chuyển dần sang người đến từ các khu vực mà họ phụ trách. GE đã phát hiện ra rằng người địa phương có những kỹ năng vô giá khi họ cố gắng bán hàng cho các công ty địa phương và các chính phủ, những nơi mà có một sự hiểu biết sâu về văn hóa là rất quan trọng. Chẳng hạn như, ở Trung quốc, chính phủ là khách hàng lớn, để làm việc gần gũi với qui trình chặt chẽ của chính phủ cần phải có độ nhạy văn hóa mà rất khó khăn để người ngoài có thể làm được. Thêm vào đó, các quản trị gia người Mỹ ngày càng gia tăng các chuyến công tác xuyên quốc gia để huấn luyện và đào tạo về quản trị cho các giám đốc địa phương.

Tóm tắt tình huống và thảo luận 2 câu hỏi sau:

     1.      Tại sao các thị trường quốc tế đóng vai trò quan trọng với GE? GE đã nắm lấy lợi thế về các cơ hội các thị trường nước ngoài như thế nào?
2.      GE dưới thời CEO Jeffery Immelt khác biệt với GE dưới thời CEO Jack Welch như thế nào?  Điều này ngụ ý gì cho GE? 

Biên dịch từ: Hill, 2011 - tài liệu đã dẫn
Người dịch: Việt QC
Xem thêm: http://www.ge.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét