Michael Porter - ông tổ của chiến lược kinh doanh cho các
công ty ba chiến lược chính để giành lợi thế cạnh tranh trên thị trường: (1) dẫn
đầu về chi phí, (2) khác biệt hóa, và (3) tập trung. Khi phân tích và áp dụng,
ba chiến lược này lại tách ra thành 5 loại hình chiến lược khác nhau gồm: (1a)
chiến lược chi phí thấp, (1b) chiến lược giá trị tốt nhất (best – value), (2)chiến lược khác biệt hóa, (3a) tập trung vào chi
phí thấp, (3b) tập trung vào giá trị tốt nhất[1].
Nguồn: thegioididong.com |
Thử tìm hiểu sâu thêm một chút bằng ngôn ngữ đời thường để
thấy giá trị áp dụng của 5 chiến lược này. (1) dẫn đầu về chi phí – là chiến lược
nhấn mạnh vào việc làm giảm chi phí trên mỗi sản phẩm đến mức thấp nhất nhằm cạnh
tranh trên thị trường về gía. Nếu áp dụng theo nhánh (1a), doanh nghiệp sẽ nhắm
vào thị trường được đánh giá là có số đông người tiêu dùng sẵn lòng chi trả cho
sản phẩm của mình với giá thấp nhất (chưa đánh giá được chất lượng của nó như
thế nào). Vận dụng vào lĩnh vực điện thoại đi động, theo đuổi chiến lược này có
lẽ là hàng loạt các hãng điện thoại của TQ, một vài công ty VN.
Nếu áp dụng theo nhánh (1b), doanh nghiệp sẽ sản xuất ra sản
phẩm có giá thấp nhất có thể, phù hợp với chất lượng ở một mức độ mà có thể cạnh
tranh được với đối thủ ở cùng phân khúc. Các hãng điện thoại lớn trên thế giới đều
có các dòng sản phẩm khác nhau cạnh tranh khốc liệt. Có lẽ phân khúc giá thấp ở
mức độ chấp nhận được – chất lượng phải tương xứng với số tiền bỏ ra là phân khúc
không thể bỏ sót.
Đối với chiến lược khác biệt hóa (2) – doanh nghiệp nhắm tới
phân khúc cao cấp. Đặc trưng của phân khúc này là khách hàng muốn sản phẩm/dịch
vụ có giá trị tốt, độc đáo. Đặc tính của người tiêu dùng ở phân khúc này tương
đối không nhạy cảm về giá. Do đó, đối với các hãng chuyên sản xuất điện thoại,
các dòng cao cấp đến hẹn lại lên, trung bình từ 1,5 đến 2 năm lại ra một model
mới với nhiều tính năng lạ, hấp dẫn, cấu hình cao hơn so với phiên bản trước.
S8, S8plus cạnh tranh khốc liệt với táo 7, 7plus là những ví dụ thực tiễn có thể
quan sát được. Ở VN, có lẽ phân khúc này hấp dẫn chẳng kém gì hai phân khúc
trên. Chưa thấy nghiên cứu lớn nào công bố dữ liệu về tiềm năng cũng như quy mô
thị trường của ngành công nghiệp điện thoại.
M. Porter cũng cho doanh nhân thêm 2 chiến lược thú vị dưới
tên gọi chiến lược tập trung (focus). Chiến lược tập trung khi triển khai lại
sinh ra hai nhánh (3a, b). (3a) là chiến lược tập trung vào chi phí thấp và
(3b) là chiến lược tập trung vào giá trị tốt nhất Chiến lược này áp dụng khi
doanh nghiệp muốn tấn công vào thị trường hẹp, ngách. Chiến lược tập trung khác
với chiến lược dẫn đầu về chi phí (1a,b) ở thị trường mục tiêu mà doanh nghiệp
phục vụ. Thị trường mục tiêu của (1a,b) là thị trường có quy mô lớn, trong khi
đó thị trường mục tiêu của (3a, b) là thị trường có quy mô nhỏ và vừa, chưa có
nhiều đối thủ cạnh tranh, quy mô vừa đủ để có thể kiếm được lợi nhuận mục tiêu
trong khả năng nguồn lực có hạn. Tóm lại, chiến lược tập trung giúp doanh nghiệp
phục vụ một nhóm khách hàng đặc thù, một vài thị trường cụ thể và hẹp dựa trên
một số dòng sản phẩm nhất định.[2]
Nhớ lại năm 2015, Bphone 1 ra mắt hoành tráng với câu nói
kinh điển “siêu phẩm hàng đầu thế giới, thật tuyệt vời, thật không thể tin nổi”.
Bphone 1 đã chọn phân khúc cao cấp nhất. Anh Quảng BKAV, với một phong cách hao
hao Steve Jobs – quần jean xanh đen, áo thun đen, tay cầm chiếc Bphone logo con
bướm liên tục nhấn:
Đây là chiếc điện thoại “Đẹp nhất - Âm thanh tốt nhất, Trao
đổi dữ liệu nhanh nhất, Giá tuyệt vời nhất – 9.990.000 đồng cho một siêu phẩm đẹp,
cá tính mạnh mẽ… [3].
Bạn đọc có thể quan sát được sự thành công như thế nào của Bphone1.
Có lẽ lý thuyết về chiến lược khác biệt hóa và sự áp dụng của nó; khi vận dụng
chiến lược này cần những điều kiện gì là bài học đầu tiên mà mỗi doanh nhân cần
hiểu trước khi thực thi.
Năm nay, Bphone 2 tiếp tục ra mắt trong sự chờ đợi của nhiều
anti – fan cũng như những người yêu mến Bphone. Bphone 2 năm nay không đánh vào
phân khúc cao cấp. Từ ngữ quảng cáo cũng nhẹ nhàng hơn. Việc so sánh với 2 chiếc
điện thoại đối thủ được mã hóa thành phone1, phone 2 chứng tỏ anh Quảng đã rút
ra bài học xương máu khi chết với biệt danh Quảng “Nổ” và “bom xịt” từ năm
2015. Bphone 2017 đánh vào phân khúc tầm trung chiến đấu trực tiếp với dòng A của
Sam, Oppo, Huawei, Sony (và kể cả Iphone 5 của táo).
Quan sát hàng trăm comment mấy ngày qua trên facebook, báo mạng,
người viết cảm nhận phe phản đối nằm trong các nhóm sau (a) cuồng hàng đã nổi
tiếng (táo, Samsung…), (b) cứ nghe thấy hàng Việt là chê – moi móc mọi ngóc
ngách, sai lầm quá khứ để chê. Nhóm ủng hộ đa số là những người có tâm tốt,
mong muốn doanh nghiệp nội phát triển thương hiệu riêng. Nhóm này cũng chia thành
hai nhóm có hành vi trái ngược nhau. Một nhóm than phiền rằng giá 8-9 triệu là
quá chát, họ không có khả năng chi trả. Nhóm còn lại có lẽ là các doanh nhân, họ
tuyên bố sẵn sàng ủng hộ Bphone.
Vậy thì, Chiến lược nào Bphone đang đi? Chắc chắn không phải
khác biệt hóa (2) và cũng không phải chi phí thấp (1a).
Lâu lâu chém gió một xíu cho vui cửa vui nhà. Dù mình cũng hết
lòng ủng hộ anh Quảng nhưng giá của anh “CHẤT” quá. Mình không theo nổi. Đành lỗi
hẹn với Bướm kỳ này.
Ghi chú:
[1] Porter, Michael E. Competitive strategy: Techniques for
analyzing industries and competitors. Simon and Schuster, 2008.
[2] David, Fred R. Strategic management: Concepts and cases.
Pearson/Prentice Hall, 2011.
[3] https://www.thegioididong.com/tin-tuc/bphone-1-ra-mat-sieu-pham-hang-dau-the-gioi-that-tuyet-voi-that-khong-the-tin-noi--1008023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét