Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Bài giảng P1 Chương 2 - Các học thuyết Thương mại quốc tế





Mục tiêu chương:

 MT1- Hiểu được tại sao các nước thương mại lẫn nhau
MT2 - Hiểu được sự khác biệt giữa các học thuyết thương mại
 MT3 - Biết được tại sao 1 hệ thống thương mại tự do sẽ giúp các nước gia tăng lợi ích hơn
 MT4 - Nhận ra được hàm ý của các học thuyết đối với thực tiễn kinh doanh
 MT5 - Phân biệt 2 loại đầu tư quốc tế
MT6 - Hiểu được các khái niệm liên quan đến FDI
 MT7 - Giải thích được các vấn đề của FDI và các học thuyết liên quan
MT8 - Đánh giá được ưu & nhược điểm của FDI với nước xuất FDI và nước nhận FDI



                 I.    “ Tự do thương mại”(free trade)?
 
Là 1 người dân Việt Nam, các bạn có bao giờ tự hỏi tại sao chúng ta sử dụng quá nhiều hàng hóa nhập khẩu từ nước khác ví dụ như: mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm, quần áo, phân bón, hóa chất…?
Câu trả lời có thể là do trình độ khoa học kỹ thuật của chúng ta chưa đủ để có thể sản xuất ra hàng hóa có chất lượng tốt.
Còn yếu tố nào khác không?
Nhìn xa hơn ra 1 thị trường khác lớn và phức tạp hơn,  ví dụ như thị trường Mỹ, nhiều công ty ở Mỹ có thể sản xuất được quần áo chất lượng tốt nhưng tại sao người tiêu dùng Mỹ lại mặc quần áo sản xuất ở Trung Quốc, Việt Nam hay Ấn Độ? Tại sao hãng xe hơi Ford lại lắp ráp xe hơi cho thị trường Mỹ tại Mehico trong khi đó hai hãng xe khác là BMW (Đức) và Nissan (Nhật) lại lắp ráp xe hơi cho thị trường Mỹ ngay tại Mỹ?

Những câu hỏi trên liên quan đến những vấn đề của thương mại và những nhà kinh tế học đã cố gắng trong nhiều năm để xây dựng nên những lý thuyết để giải thích cho những vấn đề thương mại này.

Đầu tiên, chúng ta xem xét định nghĩa “Tự do thương mại”(free trade). Tự do thương mại đề cập đến một hình ảnh về thương mại mà ở đó chính phủ không gây ảnh hưởng hoặc tạo sức ép thông qua các chính sách như thuế, hạn ngạch nhằm hạn chế sự trao đổi, mua bán hàng hóa và dịch vụ với một nước khác.

Từ nhiều thế kỷ trước, các nhà kinh tế học đã tranh luận nhiều về giá trị của tự do thương mại. Bài giảng chương 2 sẽ bắt đầu với lý thuyết về chủ nghĩa trọng thương. Một lý thuyết của thế kỷ thứ 16, 17 khuyến khích các quốc gia gia tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Sau đó, chúng ta sẽ thảo luận các học thuyết được đề xuất bởi Adam Smith và David Ricardo, những người khuyến khích thương mại tự do; chính phủ phải để cho thị trường tự nó hoạt động, chính phủ không được can thiệp bằng các chính sách thuế hay hạn ngạch HH&DV gây ảnh hưởng đến quá trình mua, bán của người dân nước này với 1 nước khác.
Smith và Ricardo  đã đưa ra ý tưởng thương mại quốc tế cho phép 1 quốc gia chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu 1 sản phẩm nào đó mà nó mang lại hiệu quả sản xuất nhất đồng thời nhập khẩu  các sản phẩm mà nó được sản xuất hiệu quả ở các nước khác.
Thuyết của Smith và Ricardo sau đó được mở rộng, bổ sung bởi Eli Heckscher và Bertil Ohlin
Chúng ta chắc chắn sẽ không cần bất kỳ lý thuyết nào để giải thích tại sao tại sao A- rập - xê - út xuất khẩu dầu thô, Ghana xuất khẩu cacao, và Braxin xuất khẩu cà phê. Nhưng sẽ khó khăn hơn khi giải thích tại sao Thụy Sĩ lại xuất khẩu hàng đầu thế giới về đồng hồ, thiết bị khoa học kỹ thuật, nữ trang cao cấp hay Nhật lại xuất khẩu ô tô, hàng điện tử gia dụng…
Ray Vernon – người đề xuất lý thuyết về vòng đời sản phẩm – đề cập đến việc sản xuất 1 sản phẩm nào đó trong 1 giai đoạn sẽ giúp chúng ta giải thích được một số vấn đề.
Paul Krugman cũng giúp được chúng ta với lý thuyết mới về thương mại (new trade theory). Ông ta cho rằng, ở 1 vài ngành công nghiệp, thị trường thế giới chỉ hỗ trợ cho 1 vài doanh nghiệp mà những DN này đã xây dựng được vị thế cạnh tranh từ rất sớm. Ví dụ điển hình là Beoing và Airbus, trên thế giới này dường như chỉ có hai công ty hoạt động trong lĩnh vực này, rất khó để có thể có kẻ thứ 3 xâm nhập. 
Cuối cùng, Michael Porter đã mở rộng lý thuyết của Krugman thành thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia. Ông cho rằng khả năng 1 quốc gia thành công trong 1 vài ngành công nghiệp nhất định không chỉ phụ thuộc vào yếu tố nguồn lực mà còn phụ thuộc yếu tố khác như cầu nội địa và cạnh tranh nội địa (domestic demand and domestic rivalry)
Các nước giao thương với nhau thì sẽ mang lại lợi ích cho nhau. Như vậy thì chính phủ đóng vai trò gì trong lý thuyết thương mại?
Nó tùy thuộc cách tiếp cận của từng quốc gia, từng chính phủ của quốc gia đó.
Những người theo chủ nghĩa trọng thương (Mercantilism) cho rằng chính phủ sẽ can thiệp thương mại bằng các chính sách khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Trong khi đó, Smith, Ricardo và Heckscher-Ohlin lại cho rằng chính phủ nên đứng ngoài, không nên can thiệp vào thương mại và thị trường.
Lý thuyết thương mại mới và thuyết của Porter lại đề xuất sự can thiệp có cân nhắc của chính phủ vào thị trường và thương mại để hỗ trợ cho 1 số ngành công nghiệp nhất định nào đó.

II.    Sự khác biệt giữa các học thuyết thương mại

Phần tổng quan vừa giới thiệu cho các bạn các lý thuyết một cách sơ lược. Bây giờ chúng ta sẽ đi sâu hơn vào nó. Bắt đầu là thuyết về chủ nghĩa trọng thương.
Đứng đằng sau ý tưởng chính của thuyết này đến từ triết lý của các nhà trọng thương vào khoảng giữa thế kỷ 16, thời điểm mà vàng và bạc được xem như là tài sản cần thiết, nguồn lực quí báu của 1 quốc gia.
Với ý tưởng này, 1 quốc gia sẽ quan tâm đến việc thu về nhiều nhất vàng bạc thông qua việc khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.
Câu hỏi đặt ra là: làm sao để các quốc gia thực hiện được điều này?
Các QG sẽ giới hạn nhập khẩu HH thông qua hàng rào thuế và hạn ngạch, và khuyến khích xuất khẩu thông qua chính sách trợ giá.
Lỗ hỏng của triết lý này nằm ở chỗ đây là một trò chơi có tổng bằng 0 (zero-sum game). 1 quốc gia chỉ có thể đạt tối đa hóa mục tiêu xuất khẩu bằng cách hạn chế tối thiểu nhập khẩu, điều này dẫn đến kết quả là nước xuất sẽ ngày càng giữ nhiều vàng bạc, nước nhập sẽ ngày càng mất nhiều vàng bạc. Một khi quốc gia ngày càng mất nhiều của cải, nó sẽ bị suy yếu và lệ thuộc quốc gia khác.
Thuyết lợi thế tuyệt đối (absolute advantage) – Adam Smith?
Adam Smith, trong cuốn sách cực kỳ nổi tiếng của ông năm 1776 đã cho rẳng tự do thương mại, không có sự can thiệp của chính phủ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia nếu mỗi quốc gia chỉ sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm mà nó sản xuất hiệu quả nhất. Đây chính là lợi thế tuyệt đối (absolute advantage). Smith cho rằng, nếu các quốc gia tập trung vào sản xuất những sản phẩm mà nó có lợi thế tuyệt đối thì nên xuất khẩu những mặt hàng này sang nước khác và sau đó nhập những hàng hóa là lợi thế tuyệt đối của những nước đó.
Ví dụ:
Chúng ta giả định có hai nước , Việt Nam và Nhật, cả hai nước đều có 200 đơn vị nguồn lực để sản xuất gạo hoặc xe máy. Việt Nam mất 10 đơn vị nguồn lực để làm ra 1 tấn gạo, 20 đơn vị nguồn lực để làm ra 1 chiếc xe máy. Với 200 đơn vị nguồn lực, VN có thể sản xuất 10 tấn gạo hoặc 10 chiếc xe máy. Hoặc VN có thể cân nhắc để có thể vừa sản xuất gạo vừa sản xuất xe máy.
Nhật thì sao? Để sản xuất ra 1 tấn gạo, Nhật phải mất 40 đơn vị nguồn lực, nhưng sản xuất 1 chiếc xe máy Nhật chỉ tốn 5 đơn vị nguồn lực. Sự lựa chọn trong trường hợp của Nhật là thứ nhất: sản xuất 5 tấn gạo hoặc 40 chiếc xe máy hoặc phân bố nguồn lực để vừa sản xuất gạo và cả xe máy.
Thông tin cung cấp cho chúng ta thấy được rằng VN có lợi thế sản xuất về gạo – nếu tập trung vào sản xuất gạo thì hiệu quả sẽ tăng cao hơn so với Nhật.  Nhật có lợi thế sản xuất xe máy, do đó hiệu quả sản xuất của Nhật sẽ tăng cao hơn nếu Nhật tập trung vào xe máy.
Như vậy, ta có thể dễ dàng tính được, với 200 đơn vị nguồn lực VN sản xuất được 10 tấn gạo và 5 xe máy, Nhật sản xuất được 2,5 tấn gạo và 20 xe máy.  Điều gì xảy ra nếu VN và Nhật không trao đổi, mua bán HH với nhau?
Nếu chuyên môn hóa sản xuất, theo Smith, VN sẽ chỉ sản xuất mặt hàng thế mạnh, Nhật cũng tương tự. Kết quả là VN sản xuất được 20 tấn gạo, Nhật sản xuất 40 xe máy. Với giả định là  5 xe máy tương đương 2,5 tấn gạo, VN và Nhật có thể trao đổi hàng hóa lẫn nhau. VN có thể lấy từ Nhật 5 chiếc xe máy để giao lại 2,5 tấn gạo.
Sau quá trình thương mại này, hai nước được lợi ích gì không?
VN còn 17,5 tấn gao và 5 xe máy. Nhật có 2,5 tấn gạo và 35 xe máy. Rõ ràng sản lượng gạo ở VN và xe máy ở Nhật cao hơn so với trường hợp tự sản xuất. Cả hai nước đều có lợi.
Thuyết Lợi thế so sánh của David Ricardo?
Nhưng 1 quốc gia không bao giờ chỉ sản xuất 1 hoặc 2 loại hàng hóa. Chính vì vậy mà năm 1817, David Ricardo đã đặt ra những câu hỏi:
Điều gì sẽ xảy ra nếu 1 quốc gia có lợi thế so sánh trong sản xuất với tất cả các sản phẩm?
Lúc đó liệu thương mại có còn mang lại lợi ích?
Những câu hỏi này đã thúc đẩy ông cho ra đời lý thuyết về lợi thế so sánh. Ricardo cho rằng hoàn toàn hợp lý khi 1 quốc gia chuyên môn hóa sản xuất những loại hàng hóa mà nước đó sản xuất hiệu quả nhất, và mua hàng hóa mà nó sản xuất kém hiệu quả từ nước khác, thậm chí còn có thể nhập hàng hóa từ những nước sản xuất hàng hóa hiệu quả hơn
Ví dụ:
Giả sử chúng ta xem xét 2 nước Ghana và Hàn Quốc.  Ghana có thể sản xuất hiệu quả vừa cacao và gạo. Ghana mất 10 đơn vị nguồn lực để sản xuất 1 tấn cacao, 13,3 đơn vị nguồn lực để sản xuất 1 tấn gạo.  Ghana có thể sản xuất hoàn toàn 20 tấn cacao hoặc 15 tấn gạo. Hàn Quốc mất 40 đơn vị nguồn lực để sản xuất 1 tấn cacao và 20 đơn vị nguồn lực để sản xuất 1 tấn gạo. Như vậy, Hàn Quốc có thể sản xuất 5 tấn cacao hoặc 10 tấn gạo. Ghana có lợi thế tuyệt đối hơn Hàn Quốc cả hai sản phẩm.
Vậy tại sao phải thương mại với  Hàn Quốc ?
Ricardo cho rằng Ghana vẫn có lợi trong trường hợp xảy ra thương mại giữa Ghana và Hàn Quốc vì Ghana có lợi thế so sánh trong sản xuất cacao. Nói cách khác, Ghana có thể sản xuất nhiều cacao và gạo hơn Hàn Quốc, Ghana có thể sản xuất cacao nhiều hơn 4 lần và gạo nhiều hơn 1,5 lần.
Khi quá trình thương mại diễn ra giữa 2 nước, Ghana có thể xuất 4 tấn cacao sang Hàn Quốc để đổi lấy 4 tấn gạo (Ghana sử dụng 150 nguồn lực để sản xuất 15 tấn cacao và 3,75 tấn gạo. Hàn Quốc lúc này dồn hết nguồn lực để sản xuất gạo, HQ sản xuất được 10 tấn). Như vậy, sau khi thương mại giữa 2 nước xảy ra, Ghana còn 11 tấn cacao và 7,75 tấn gạo. Hàn Quốc được 4 tấn cacao và 6 tấn gạo. Cả hai nước đều có lợi.
 
Câu hỏi đặt ra là: Liệu tự do thương mại có luôn luôn tốt?
Câu trả lời là không bởi vì mô hình lợi thế so sánh có nhiều giả định quá đơn giản và hoàn hảo. Một quốc gia không thể quyết định đơn giản chuyển từ sản xuất mặt hàng A sang mặt hàng B một cách dễ dàng vì nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố.
Những giả định phi thực tế đó là:
1.      Thế giới chỉ có 2 quốc gia và 2 loại hàng hóa
2.      Chi phí vận chuyển bằng 0
3.      Giá cả các nguồn lực bằng nhau
4.      Các nguồn lực sản xuất có thể di chuyển giữa các ngành
5.      Hiệu suất không đổi theo qui mô
6.      Nguồn lực sản xuất không đổi và hiệu quả sử dụng nguồn lực không đổi
7.      Không có sự tác động của thương mại lên sự phân phối thu nhập
Thuyết Heckscher-Ohlin
Eli Heckscher và Bertil Ohlin mở rộng thuyết của Ricardo, ông cho rằng lợi thế so sánh của 1 quốc gia bắt nguồn từ sự khác biệt của các yếu tố các nguồn lực của quốc gia đó(factor endowments)
Hai ông cho rằng các quốc gia chỉ xuất khẩu những hàng hóa mà hàng hóa đó sản xuất từ những nguồn lực dồi dào như đất đai, lao động, vốn.
Ngược lại, các quốc gia chỉ nhập khẩu hàng hóa nào đó khi nó khan hiếm các nguồn lực để sản xuất ra loại hàng hóa đó.
Vì vậy, chúng ta có thể giải thích được tai sao Trung Quốc dựa vào nguồn lao động chi phí thấp để sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm có sử dụng lực lượng lao động này chẳng hạn như dệt may, giày dép...và Mỹ lại nhập khẩu hàng dệt may từ TQ vì thiếu nguồn lao động giá rẻ.
Câu hỏi thảo luận: điểm khác biệt trong mô hình thương mại của H-O và mô hình của Ricardo.
TL: Mô hình H-O dựa trên yếu tố các nguồn lực khác nhau giữa các quốc gia, trong khi mô hình R dựa trên khả năng sản xuất khác nhau
Nghịch lý Leontief
Wassily Leontief kiểm tra lý thuyết H-O năm 1953 với kỳ vọng rằng Mỹ sẽ xuất khẩu những hàng hóa được sản xuất dựa trên nguồn vốn dồi dào và nhập khẩu những hàng hóa được sản xuất dựa trên nguồn lao động.
Tuy nhiên, ông khám phá ra rằng Mỹ xuất khẩu những hàng hóa sử dụng ít vốn hơn là những hàng hóa sử dụng nhiều vốn. Kết quả điều tra của ông được biết đến với tên gọi: Nghịch lý Leontief
Thuyết H-O không thể trả lời hoàn chỉnh được cho câu hỏi: Tại sao một số sản phẩm từng được sản xuất tại 1 quốc gia sau đó lại đi nhập khẩu từ các quốc gia khác, đặc biệt từ các quốc gia kém phát triển hơn?
Trong một số trường hợp, thuyết “Vòng đời sản phẩm” của Vernon giải thích tốt hơn cho câu hỏi này.
Năm 1960, Vernon phát triển thuyết vòng đời sản phẩm, ông cho rằng khi sản phẩm đạt đến giai đoạn trưởng thành, địa điểm sản xuất và địa điểm bán hàng đều thay đổi, và điều này dẫn đến luồng thương mại giữa các quốc gia cũng thay đổi theo. Nói cách khác, các sản phẩm đều phải trải qua các giai đoạn của vòng đời, mỗi giai đoạn nó đều được bán và sản xuất ở những nơi khác nhau.
Những quan sát của Vernon chủ yêu tập trung vào những hàng hóa được sản xuất bởi các công ty Mỹ. Ở giai đoạn đầu, các công ty này sản xuất và bán sản phẩm ở thị trường Mỹ, lý do là các công ty này hiểu thị trường nội địa và các quyết định quản trị cũng được thực thi dễ dàng hơn. Trong gia đoạn tăng trưởng, nhu cầu của khách hàng thu nhập cao ở các thị trường phát triển khác cũng bắt đầu hình thành và các công ty Mỹ bắt đầu xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường đó.
Sau đó, khi nhu cầu về sản phẩm tăng nhanh ở các thị trường nước ngoài, các nhà sản xuất nước ngoài bắt đầu sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Các nhà sản xuất của Mỹ, sẽ tham gia vào quá trình này bằng cách xây dựng nhà máy sản xuất ở thị trường nước ngoài.
Kết quả là xuất khẩu từ Mỹ sẽ giảm dần. Khi sản phẩm đạt đến giai đoạn trưởng thành ở thị trường Mỹ và nước ngoài, giá sản phẩm trở thành yếu tố quan trọng. Một vài nhà sản xuất nước ngoài với chi phí lao động thấp sẽ có lợi thế về giá và các công ty này bắt đầu xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ suốt giai đoạn này. Cuối cùng, quá trình sản xuất sẽ dịch chuyển hoàn toàn sang các nước đang phát triển để tận dụng hoàn toàn lợi thế về lao động giá rẻ, Mỹ trở thành nước nhập khẩu suốt giai đoạn này
Thuyết vòng đời sản phẩm chỉ đúng trong một vài trường hợp điển hình ở Mỹ suốt thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập như hiện nay, thuyết PLC không còn khả năng giải thích được nữa.
Ví dụ như: nhiều sản phẩm được thiết kế và giới thiệu khắp thế giới bởi các DN Mỹ ngay từ giai đoạn hình thành & phát triển sản phẩm.
Thuyết “ Thương mại mới – New trade”
Những nhà nghiên cứu của thập niên 70 đã tìm kiếm những lý lẽ khác nhau để giải thích cho những hoạt động thương mại đang xảy ra mà thuyết PLC không thể giải quyết được.
Thuyết thương mại mới, dựa trên  quan điểm về quá trình giảm chi phí sản xuất dựa trên qui mô sản xuất được hình thành. Việc giảm chi phí này cuối cùng được gọi là kinh tế theo qui mô.
Đối với 1 vài công ty như Microsoft, sản xuất theo qui mô rất quan trọng để trang trải chi phí phát triển phiên bản Windows  mới cho hàng triệu máy tính.
Nếu không có thương mại, thị trường nhỏ bé của các quốc gia không thể tiêu thụ nổi lượng hàng hóa được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn của các công ty.
Khi xảy ra thương mại giữa các quốc gia, thị trường được mở rộng gấp nhiều lần và có thể hấp thụ được lượng hàng hóa sản xuất theo qui mô. Do đó, thương mại đặc biệt hữu dụng vì  nó cho phép chuyên môn hóa sản xuất, sản xuất hàng loạt với số lượng lớn hàng hóa với giá cực thấp.
Tuy nhiên, đối với 1 vài ngành công nghiệp, để đạt lợi ích kinh tế theo qui mô, DN phải nắm được các thị trường chính của thế giới.
Ví dụ trong ngành sản xuất máy bay, chi phí để sản xuất 1 máy bay cực cao, vì vậy DN trong lĩnh vực này phải giành lấy thị trường mục tiêu.
Vai trò của lợi thế người đi đầu (first mover advantages ): tạo ra rào cản cho các DN cạnh tranh khác muốn tham gia vào ngành
Chúng ta có thể học được gì từ thuyết thương mại mới?
Các quốc gia có thể hưởng lợi từ thương mại ngay cả khi không có sự khác biệt về các nguồn lực  hay kỹ thuật công nghệ. Một quốc gia có thể chiếm ưu thế về xuất khẩu vì nó có những công ty đi đầu trong 1 lĩnh vực nào đó.
Thuyết TMM mâu thuẫn với thuyết H-O ở điểm thuyết H-O cho rằng các quốc gia sẽ sản xuất và XK các HH sử dụng các yếu tố sản xuất dồi dào.
Nhưng thuyết TMM không mâu thuẫn với thuyết LTSS vì nó xác định được nguồn LTSS.
Vì vậy, các chính phủ sẽ sử dụng thông tin này để ban hành các chính sách thương mại nuôi dưỡng và bảo vệ các ngành công nghiệp và các DN có lợi thế là người đi đầu và có lợi thế trong sản xuất theo qui mô
Thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia – Mô hình kim cương của M.Porter
Tất cả các học thuyết vừa trình bày đều giải thích được phần nào đó các hiện tượng của TMQT. Tuy vậy, vẫn còn những câu hỏi không thể trả lời 1 cách hoàn chỉnh được chẳng hạn như:
Tại sao một vài quốc gia có những ngành công nghiệp nổi trội hơn những quốc gia khác? Ví dụ như, tại sao Nhật chiếm vị thế hàng đầu trong lĩnh vực ô tô? Tại sao Thụy Sĩ luôn đứng đầu trong công nghiệp dược.
Những nghiên cứu của Porter, và đặc biệt là thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia đã cố gắng giải thích tại sao 1 quốc gia có thể thành công với 1 ngành công nghiệp nổi trội nào đó.
Porter đã định dạng 4 yếu tố có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh trong 1 ngành công nghiệp. Ông gọi mô hình 4 yếu tố này là mô hình kim cương về lợi thế cạnh tranh
Yếu tố đầu tiên, yếu tố các nguồn lực (factor endowments), đề cập đến các nguồn lực của 1 quốc gia có thể dẫn đến lợi thế cạnh tranh. Mở rộng hơn so với yếu tố nguồn lực trong thuyết H-O; ở đây M.Porter đề cập đến các nguồn lực cụ thể như lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng là những nguồn lực quan trọng để đạt lợi thế cạnh tranh trong một ngành công nghiệp đặc biệt. Ông chia các nguồn lực thành 2 nhóm, nhóm nguồn lực cơ bản(tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, địa điểm), nguồn lực cao cấp(lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật công nghệ)
Yếu tố thứ hai, ông gọi là các điều kiện về cầu (demand conditions) – là nhu cầu của người dân trong 1 nước đối với HH&DV của 1 ngành. Porter cho rằng các nhu cầu của người tiêu dùng được thỏa mãn sẽ gây áp lực đối với các DN phải cố gắng tạo ra lợi thế cạnh tranh
Yếu tố thứ ba, các ngành công nghiệp liên quan và bổ trợ(Relating and supporting industries), đề cập đến sự tồn tại hay không của các nhà cung cấp và ngành công nghiệp liên quan mà những ngành này có đóng góp cho những ngành khác và những ngành này phải có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Yếu tố cuối cùng - chiến lược của DN, cấu trúc và sự cạnh tranh (firm strategy, structure, and rivalry) đề cập đến những điều kiện bên trong 1 quốc gia cụ thể là cách thức quản lý của quốc gia đó với sự hình thành, tổ chức hoạt động , phát triển của các DN và sự cạnh tranh giữa các DN bên trong quốc gia đó. Khi sự cạnh tranh này mạnh, các DN chịu áp lực phải sáng tạo, cải tiến chất lượng, giảm chi phí và đầu tư vào những sản phẩm cao cấp.
III.   Ý nghĩa của lý thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia?

Sự thành công của 1 quốc gia trong 1 ngành công nghiệp là sự kết hợp của 4 yếu tố trong mô hình kim cương của Porter. Ông đề nghị:
Vai trò của chính phủ:
1.      Tác động đến nhu cầu của người dân thông qua việc ban hành các chính sách liên quan đến chất lượng/tiêu chuẩn sản phẩm.
2.      Tác động đến cạnh tranh giữa các DN thông qua các qui định, luật chống độc quyền
3.      Đưa ra các chính sách về giáo dục (đào tạo đội ngũ lao động có năng lực) và chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng( hệ thống cầu đường, giao thông đường thủy, bộ, hàng không…)
Mô hình Porter có thể được dùng để dự báo các mô hình thương mại ngày nay. Tuy vậy, nó vẫn chưa được kiểm chứng.

IV.   Hàm ý của học thuyết thương mại đối với nhà quản lý?

3 điểm quan trọng cần nhớ
1.      Vị trí (location): 1 DN phát triển hoạt động sản xuất phải chọn các quốc gia mà ở đó có điều kiện thuận lợi để quá trình sản xuất đạt hiệu quả nhất
2.      Người tiên phong (First – mover): lợi thế của người tiên phong có thể giúp 1 DN thống lĩnh thương mại toàn cầu đối với 1SP (HH/DV nào đó)
3.      Chính sách: Các DN nên khuyến khích các chính sách của chính phủ phải hỗ trợ cho tự do thương mại; để làm được điều này các DN nên vận động hành lang đế các chính phủ ban hành các chính sách tác động lên từng thành phần của mô hình kim cương.
V.    Đầu tư quốc tế
Là hiện tượng di chuyển vốn từ nước này sang nước khác nhằm mục đích kiếm lợi nhuân
Hai hình thức của đầu tư quốc tế
      + Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
      + Đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII)*
Foreign direct investment (FDI):
Khi bạn chạy xe dọc quốc lộ 20 ngang tỉnh Đồng Nai hoặc đi ngược về hướng Bình Dương, hàng loạt các KCN  mọc lên như KCN Amata, KCN Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, KCN Việt Sing, KCN Sóng Thần… Ở các KCN đó hiện diện những công ty lớn như Nestle, Unilever, P&G …
Đây là những công ty nước ngoài, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ở VN. Những công ty này sản xuất ra sản phẩm bán cho người dân chúng ta và có thể xuất khẩu ra các nước khác.  
Như vậy,  Đầu tư trực tiếp nước ngoài - Foreign direct investment(FDI), là hình thức 1 DN đầu tư trực tiếp cho hoạt động sản xuất và/hoặc tiếp thị SP&DV của nó ở thị trường nước ngoài.
Khi 1 DN thực hiện FDI, nó được gọi là 1 DN đa quốc gia (multinational enterprise ) - MNE.
Có 2 dạng  FDI. 
Loại thứ 1: Đầu tư mới hoàn toàn (greenfield investment) liên quan đến việc thành lập 1 cơ sở hoạt động mới ở nước ngoài. Ví dụ như Nestle, 3M, Bayer... 
Loại thứ 2 của FDI là hình thức mua lại hoặc sáp nhập(acquisition or merger) với 1 công ty nào đó ở thị trường nước ngoài . 
Dòng vốn FDI là lượng vốn FDI được thực hiện trong 1 khoảng thời gian nhất định. Luồng vốn ra của FDI (outflows) là luồng vốn FDI ra khỏi 1 quốc gia, luồng vốn FDI vào(FDI inflows) là luồng vốn FDI nhập vào 1 đất nước.

FDI đến từ đâu? 
Sau Chiến tranh TG lần 2, Hoa Kỳ là nước cung cấp nguồn FDI lớn nhất thế giới, những nước khác đóng vai trò quan trọng không kém đó là Anh, Hà lan, Pháp, Đức, Nhật. 
Từ năm 1998 đến 2010, 6 nước trên cung cấp hơn 60% tổng lượng FDI toàn thế giới

Câu hỏi thảo luận: hầu hết các DN chọn phương thức đầu tư nào sau đây: đầu tư mới (greenfield investments) hay mua lại(acquisition)?
Câu trả lời theo tổng kết của Hill: Hầu hết các DN đều chọn hình thức sáp nhập(mergers) và mua lại thay vì đầu tư mới.
Nguyên nhân:
1) So với đầu tư mới, M&A giúp DN nhanh chóng xâm nhập thị trường hơn
2) Dễ hơn và ít rủi ro hơn
3) Các DN tin rằng họ có thể gia tăng hiệu quả HĐKD của đơn vị sáp nhập/ mua lại bằng cách chuyển vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý
Tại sao các DN lại chọn hình thức đầu tư trực tiếp(FDI) ở 1 quốc gia khác? Tại sao các DN không chọn hình thức xuất khẩu hoặc ký thỏa thuận cho phép sử dụng công nghệ ( thường gọi là li – xăng – licensing) khi các DN này muốn bán sản phẩm của họ tại thị trường nước ngoài?

Để trả lời các câu hỏi trên, các bạn phải biết những hạn chế của XK và li – xăng.
Xuất khẩu: sản xuất hàng hóa tại 1 nước, sau đó mang bán sang 1 nước khác. XK bị hạn chế do chi phí vận chuyển và các rào cản thương mại (thuế nhập khẩu và hạn ngạch)
Li- xăng: hình thức công ty A ký thỏa thuận cho phép công ty B (ở thị trường nước ngoài)  sản xuất và bán sản phẩm với điều kiện công ty B phải trả lại 1 khoản phí  thỏa thuận.
Li- xăng không hấp dẫn các DN vì 3 lý do chính: 1) dễ bị mất bí quyết công nghệ vào đối thủ cạnh tranh, 2) DN không kiểm soát được quá trình sản xuất, marketing và chiến lược của đối tác được cấp li – xăng, 3) Nếu lợi thế cạnh tranh của 1 DN dựa vào quản lý, marketing, khả năng sản xuất hơn là sự nổi trội về sản phẩm thì li – xăng không hấp dẫn ( ví dụ - Toyota không thể li – xăng với 1 DN khác vì  văn hóa Toyota chú trọng đến các kỹ năng
Lợi ích của FDI đối với nước nhận đầu tư(host country)?
Các lợi ích chính của FDI đối với nước nhận đầu tư là ảnh hưởng đến chuyển giao nguồn lực, việc làm, cán cân thanh toán, sự cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế
1.      Chuyển giao nguồn lực: FDI mang lại lợi ích cho nước nhận đầu tư như vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý – điều này giúp quốc gia đó gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế
2.      Việc làm: rõ ràng tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, đây chính là lợi ích thứ 2
3.      Cán cân thanh toán: FDI có thể giúp 1 quốc gia cải thiện cán cân thanh toán thông qua hoạt động kinh doanh của nó( ví dụ như giúp 1 quốc gia hạn chế nhập khẩu)
4.      Sự cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế: FDI thông qua hình thức đầu tư mới hoàn toàn giúp gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường, hạ giá thành sản phẩm và cải thiện phúc lợi của người tiêu dùng.
Chi phí của FDI mang lại với nước nhận đầu tư?
1.      Tác động tiêu cực lên sự cạnh tranh đối với các DN nội tại nước nhận đầu tư
2.      Ảnh hưởng tiêu cực lên cán cân thanh toán (ví dụ như các chi nhánh FDI nhập khẩu toàn bộ các nguồn nguyên liệu để sản xuất)
Tác động tích cực của FDI đối với nước đầu tư (home country)? 
1.      Ảnh hưởng tích cực lên tài khoản vốn vì lợi nhuận mà các DN FDI tạo ra được chuyển về và 1 phần từ hoạt động nhập khẩu của chi nhánh DN FDI tại nước nhận đầu tư
2.      Lượng việc làm tăng lên
3.      Học hỏi kinh nghiệm từ thị trường nước ngoài
Tác động tiêu cực của FDI đối với nước đầu tư?
1.      Cán cân thanh toán: bị ảnh hưởng ban đầu do luồng vốn di chuyển ra nước ngoài; bị ảnh hưởng nếu mục đích của FDI chỉ là phục vụ cho thị trường nội địa ( hoạt động FDI chủ yếu nhắm vào thị trường lao động giá rẻ bên ngoài)
2.      Việc làm: nếu FDI nhắm vào mục đích thay thế lực lượng lao động tại nước đầu tư thì nước đầu tư sẽ gia tăng tình trạng thất nghiệp
Tác động của chính phủ lên FDI?
Vì FDI mang lại những tác động tích cực và tiêu cực, do đó các chính phủ phải can thiệp theo cách mà họ cho là có lợi cho người dân và đất nước.
1.      Chính sách khuyến khích dòng đầu tư ra nước ngoài: thông qua các chương trình cho vay đặc biệt nếu các DN đầu tư sang các nước đang phát triển, ưu đãi về thuế, khuyến khích nước nhận đầu tư tháo gỡ dần các rào cản…
2.      Chính sách không khuyến khích dòng đầu tư ra nước ngoài: qui định về lượng vốn tối đa/ tối thiểu, ưu đãi thuế cho hoạt động kinh doanh trong nước, cấm đầu tư vào một số quốc gia
3.      Chính sách thu hút dòng đầu tư vào: mở cửa thị trường, hệ thống luật pháp chặt chẽ, công bằng, ưu đãi thuế, ưu đãi phí sử dụng đất…
4.      Chính sách hạn chế dòng đầu tư vào: đối xử không công bằng, chi phí sử dụng đất cao, thuế cao, cấm đầu tư vào 1 số ngành
Ý nghĩa của FDI đối với HĐKDQT? 
Khi quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh của mình ra thị trường nước ngoài, các DN cân nhắc: nên chọn các hình thức xâm nhập nào ( XK, Li xăng hay đầu tư trực tiếp . Mỗi hình thức đều có ưu, nhược khác nhau.
Ngoài ra, cần chú ý nghiên cứu kỹ các lý thuyết thương mại, các chính sách của các quốc gia


Biên soạn từ:
Hill C W L (2011), International Business – Competing in the Global marketplace 8Ed, New York: Irwin Mc Graw Hill

 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét