Tóm tắt: bài viết này giúp các bạn sinh viên đang loay hoay với việc học ở bậc đại học có thể sẽ tìm thấy điều gì đó bổ ích cho bản thân từ đó học tập tốt hơn. Đây là tập hợp một số kinh nghiệm từ quá trình học đại học và dạy của tác giả. Bài viết không phải là nghiên cứu chính thống với những lý luận dẫn dắt chặt chẽ mà đây chỉ là những kinh nghiệm. Kinh nghiệm luôn là con dao hai lưỡi. Nó có thể tốt với ai đó nhưng mặt khác, nó cũng chính là "lối mòn tư duy" kiềm hãm sự sáng tạo trong học tập và nghiên cứu. Các bạn có thể đọc nó, từ chối hoặc áp dụng nó; nhưng cân nhắc trước khi áp dụng. :)
Một số vấn đề của sinh viên khi học đại học
Từ kinh nghiệm của bản thân, bạn bè cũng như qua quan sát cách học của các bạn sinh viên. Tôi nhận thấy một số vấn đề sau:
1. Có những sinh viên học làng nhàng ở bậc phổ thông nhưng học cực giỏi ở bậc đại học
2. Ngược lại, có những sinh viên học giỏi ở bậc phổ thông nhưng không giỏi ở bậc đại học
3. Có những sinh viên bậc nào cũng dở và có những sinh viên bậc nào cũng giỏi
4. Có những sinh viên phân phối lực học không đều, học giỏi môn này nhưng điểm thấp môn khác. Kết quả là chỉ đạt trung bình
5. Có những sinh viên học làng xàng, chơi nhiều hơn học nhưng môn nào cũng 7,8 nhưng cũng có những sinh viên học ngày đêm, quên ăn, quên ngủ, nhưng kết quả vẫn 5 hoặc 6.
6. Có những sinh viên không cần quan tâm đến việc mình học giỏi hay dở, cũng chẳng biết đi học để làm gì (nhà mình có của ăn, của để... học và không học cũng như nhau...) - dạng này tôi không dám bàn đến
Trong số chúng ta, chắc hẳn ai cũng rơi vào ít nhất 1 trong 5 vấn đề đầu tiên nêu trên. Vậy thì, nguyên nhân từ đâu? và làm sao chúng ta có thể khắc phục?
Có thể nói, học đại học ở Việt Nam hoàn toàn khác biệt với học phổ thông (ở nước khác ra sao thì tôi không biết vì tôi chưa từng trải nghiệm). Cái khác lớn nhất là học đại học nhất định phải tự học. Chẳng có ai ở bậc học này mà vác cặp đi học thêm như ở phổ thông. Do đó, nếu ở đại học, sinh viên không biết cách tự học hoặc tự học không hiệu quả thì chắc chắn không thể học tốt. Mà suy diễn sâu hơn, nếu không thể tự học thì tất yếu cũng chẳng thể tự làm bất kỳ công việc gì ngoài xã hội (suy diễn này cần được nghiên cứu để kết luận có giá trị hơn)
Ở bậc phổ thông, đa số các em đều học vì bị bắt phải học, nhiều bạn có gia đình kèm cặp, có bạn được nuôi dưỡng như " gà công nghiệp", tới giờ ăn, giờ học đều được bố mẹ sắp đặt. Có bạn nữ vào đến đại học mà chưa từng biết thế nào là "nhặt rau"; nếu bảo cầm 100.000 đi chợ, chắc chẳng biết phải mua cái gì cho bữa ăn trưa...
Tuy vậy, có bạn tự học rất tốt, những bạn này đặt ra mục tiêu cho bản thân phải đậu đại học, cụ thể hơn nữa là có những bạn quyết tâm phải trở thành bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân... Những bạn này học rất giỏi, bậc nào học cũng giỏi chứ không riêng gì bậc phổ thông. Năm nào tôi cũng quan sát báo chí, các bạn thủ khoa đại học đều là các em có hoàn cảnh nghèo khó nhưng các bạn có để ý thấy qua các cuộc phỏng vấn là các em thủ khoa đều tự học và biết xây dựng cho bản thân các MỤC TIÊU của cuộc đời mình.
Dĩ nhiên, nếu lấy các bạn thủ khoa thôi thì hơi phiến diện và chủ quan. Còn rất nhiều bạn khác (chẳng hạn các bạn thi đậu vào UEH năm nay phải đạt 21 điểm trở lên) đều là những bạn giỏi. Tôi tin rằng nếu có một vài nghiên cứu điều tra xem các bạn ấy học như thế nào thì chắc chắn đa phần đều biết cách tự học. Tuy vậy, trong số 4000 sinh viên đậu vào UEH năm nay sẽ có một lượng không nhỏ"gà công nghiệp". Những bạn này chính là đối tượng tôi muốn đề cập ở vấn đề số 2 ở trên.
Đây chính là những bạn học rất giỏi ở bậc phổ thông nhưng làng nhàng ở bậc đại học. Thậm chí có bạn chỉ học 1,2 năm đầu sau đó nhận ra rằng cái Trường mà mình thi đậu vừa rồi là cái Trường mà bố, mẹ mình rất thích hoặc cái Trường mà mọi người nói rằng học xong sẽ kiếm được nhiều tiền... và hàng trăm lý do khác.
Ai trong chúng ta cũng được tạo hóa ban tặng những lợi thế riêng biệt. Có người rất năng khiếu khoa học tự nhiên, có người rất đam mê văn chương, hội họa... Các bạn hãy sống với những đam mê đó. Khi làm một việc gì mà mình dành hết niềm đam mê cho nó, bạn sẽ thành công. Nếu nhận ra mình đang đi trên con đường mà mình chẳng mê, chẳng thích thú gì thì ngày nào bạn càng đeo theo nó, ngày ấy bạn càng sống mệt mỏi, nhàm chán và một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra rằng cuộc sống của mình thiệt là vô vị.
Lời khuyên của tôi là: hãy can đảm từ bỏ công việc và trường học đang giết chết niềm đam mê của mình.
Sau khi đã xác định được đam mê, hãy theo đuổi, xác định mục tiêu cụ thể để hoàn thành và đề ra chiến lược thực hiện nó.
Theo Bloom(1956), phương pháp luận giảng dạy đại học đánh giá người học dựa trên các mục tiêu tuân theo các cấp độ tư duy. Ở bậc đại học (cử nhân 4 năm) mục tiêu là BIẾT - HIỂU - ÁP DỤNG. Bậc cao học mục tiêu là BIẾT - HIỂU - ÁP DỤNG - PHÂN TÍCH- ĐÁNH GIÁ. Bậc nghiên cứu sinh (Tiến sĩ) là BIẾT - HIỂU - ÁP DỤNG - PHÂN TÍCH- ĐÁNH GIÁ - SÁNG TẠO.
Các bạn đang ở bậc cử nhân hệ 4 năm, các bạn trước hết phải xác định mục tiêu của bản thân trước hết là phải BIẾT, BIẾT xong rồi phải HIỂU. HIỂU rồi mới ÁP DỤNG. ÁP DỤNG được thì chúng ta sẽ nhớ lâu, nhớ dai và tất nhiên khi ra đời sẽ nhanh chóng hòa mình vào thực tiễn.
Chương trình giáo dục đại học có quá nhiều thứ bắt chúng ta phải biết, hiểu nhưng quá nhiều cái chúng ta biết mông lung, hiểu mơ hồ và rõ ràng là không biết áp dụng vào đâu. Nhất là những môn năm đại cương. Cái này là do chương trình giáo dục chứ không phải do các bạn. Một chương trình quá cao siêu thì không thể bắt các bạn phải biết hết, hiểu hết và áp dụng được hết. Đối với những học phần này thì tôi bó tay. Không giúp gì được các bạn, cụ thể là không biết cách nào để giúp các bạn phải đạt những điểm tốt. Mặc dù lúc đi học, tôi có thể đạt 7 hoặc 8 với những môn khó nuốt này (môn nào ở đại học thì chắc các bạn có thể suy luận được). Nhưng rút ra kinh nghiệm thì chẳng có gì ngoại trừ cách ấu trĩ nhất là ôm cuốn sách/ vở học thuộc lòng.
Tuy nhiên, với những môn chuyên ngành(Quản trị, Ngoại Thương...) thì qui trình BIẾT - HIỂU - ÁP DỤNG rất quan trọng. Nó giúp cho học viên hình thành chiến lược học tập rõ ràng và khi thực thi nó thì đạt điểm tốt là điều chắc chắn và khi hòa mình vào môi trường kinh doanh, bạn sẽ có thể áp dụng được.
Câu hỏi đặt ra: BIẾT cái gì? Làm sao để BIẾT? Làm sao để HIỂU và ÁP DỤNG?
Muốn biết, các bạn phải đến lớp, nghe giảng viên giảng bài, trước mỗi buổi giảng phải lên thư viện kiếm chừng 5 đến 10 cuốn sách liên quan đến bài học để tóm tắt những gì mình muốn biết có liên quan đến nội dung bài giảng. Tóm tắt xong rồi thử thảo luận nhóm với nhau có ai trong nhóm có hiểu hay không? bạn A hiểu như thế này thì bạn B hiểu ra sao? có giống A không? Liệu giảng viên có nói như vậy không? Giáo trình tác giả C diễn giải vấn đề này như thế, tác giả D thì sao? Sách nước ngoài viết về Toàn cầu hóa như thế, sách dịch trong nước diễn giải như vậy có gì khác nhau không?...
Nhóm thảo luận xong rồi thì lưu chú lại vào tập. Lúc lên giảng đường là cơ hội để các bạn hỏi giảng viên. Hỏi càng nhiều thì lớp học càng sôi động. Nghe càng nhiều thì càng buồn ngủ, mà tôi đề ý, chúng ta nghe càng nhiều thì ra khỏi lớp trong não chỉ còn lại cái tên bài học. Nhiều bạn ra khỏi lớp chẳng nhớ nổi học cái gì, bài giảng đó nói về cái gì...
Thái độ học tập ở đại học là thái độ tích cực, chủ động. Tôi sẽ dành riêng một bài viết về thái độ học tập này trong bài viết khác. Ý tóm gọm mà tôi muốn khuyên các bạn là muốn BIẾT và HIỂU kiến thức từng môn học, các bạn phải chủ động đi tìm nó. Hình thành các nhóm học tập và thảo luận, tích cực hỏi giảng viên khi ở lớp, hoặc trao đổi với giảng viên qua email, website cá nhân. Ví dụ như học môn QTKDQT, các bạn có thể hỏi trực tiếp với tôi qua website này. Mỗi bài giảng đều có mục comment để các bạn hỏi trực tiếp. Tôi tin rằng chẳng giảng viên nào đã chọn nghiệp giảng dạy lại từ chối trả lời câu hỏi của sinh viên.
ÁP DỤNG những hiểu biết vào thực tiễn? làm sao để ÁP DỤNG?
Với sinh viên ngành quản trị, ngoại thương và các ngành khác thuộc lĩnh vực kinh tế, việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên. Cụ thể:
1. Sinh viên phải thực sự muốn vận dụng kiến thức vào thực tiễn (nếu các bạn lười, không cần biết áp dụng thì tôi pó tay)
2. Giảng viên phải thúc đẩy sinh viên ra thực tiễn, dìu dắt, định hướng các sinh viên.
Ý thứ nhất, tôi muốn các bạn sinh viên phải quan sát thị trường, thay vì lên mạng chát, lên face quá nhiều, hãy cân nhắc, sắp xếp lại thời gian của mình một cách khoa học. Sinh viên kinh tế nên đọc bài báo kinh tế, đọc bài phân tích thị trường. Làm quen với các anh / chị đã đi làm trong các lĩnh vực. Học hỏi kinh nghiệm của người đi trước chẳng bao giờ là lãng phí. Lý thuyết có thể áp dụng bất kỳ nơi nào, ở đâu. Ở cái đất Sài Gòn này, một quán ốc, một đại lý gạo cũng biết đầy đủ các chiêu Marketing để thu hút và chăm sóc khách hàng thì cớ gì các bạn lại không thể vận dụng?
Khi học xong môn " Nghiệp vụ ngoại thương", mấy ai trong số 50 sinh viên của lớp dám gọi điện cho một công ty chuyên xuất - nhập khẩu để làm quen, xin được đi theo các nhân viên kinh nghiệm để học hỏi 1 tuần? Tôi tin có bạn sẽ chủ động học tập theo cách này. Chỉ có như vậy các bạn mới áp dụng được lý thuyết vào thực tiễn.
Ý thứ hai, giảng viên phải tìm mọi cách để giúp sinh viên áp dụng lý thuyết. Ai cũng hiểu là một lớp có tầm 50 - 60 sinh viên, một ngày có thể có nhiều lớp, làm sao giảng viên giúp được sinh viên?
Các trường quốc tế đều xây dựng các case study (các tình huống) để giảng dạy. Các tình huống sẽ giúp sinh viên biết lý thuyết và thực tiễn quan hệ với nhau ra sao, như thế nào. Ở trên lớp, mỗi buổi học lý thuyết cần có một vài tình huống liên quan. Các sinh viên và giảng viên phải hòa mình vào nhau để giải quyết các tình huống này. Website của tôi chứa toàn bộ nội dung các tình huống trong QTKDQT. Các bạn có thể in ra, tóm tắt, lên Google tìm kiếm thêm các thông tin mới hơn để cập nhật các dữ kiện. Thảo luận các câu hỏi... Nếu có thể, giảng viên nên mời các nhân vật, những chuyên gia, những cựu sinh viên đang làm trong lĩnh vực liên quan để nói chuyện với sinh viên. Đây là cách học rất tốt.
Kết lại (nhưng chưa phải cuối cùng), tôi muốn các bạn sinh viên, để có một kết quả học tập tốt ở đại học và một môn học nào đó hãy:
1. Xác định lại đam mê của mình.
2. Xác định mục tiêu của bản thân trong tương lai
3. Xác định mục tiêu của từng môn học, từng chương (các bài giảng của tôi và Syllabus) đều có chi tiết phần này.
4. Hình thành nhóm học tập chủ động
5. Lên thư viện, tận dụng thư viện là nguồn cung cấp trí thức miễn phí và hiệu quả (đừng lên đó để ngủ ,8 và "Em ơi, anh rất yêu em" + "Anh ơi, em cũng rất yêu anh")
6. Trao đổi, thảo luận tích cực khi học tập nhóm ở bất cứ đâu
7. Quan sát thực tế. Đọc những thông tin kinh tế, chính trị liên quan. Từ bỏ dứt khoát các trang web giải trí nhảm nhí (đừng dùng quá nhiều thời gian hạn hẹp của mình để tag và like những bài kiểu như" Ngọc Trinh khoe.....siu hot" hay " Lý Nhã Kỳ nói tiếng Anh siêu...."
8. Tận dụng facebook như một kênh học tập, trao đổi, thảo luận
9. Mạnh dạn kết bạn, giao lưu học hỏi với người đi trước
10. Đừng bao giờ để từ "lười biếng" có trong từ điển của mình
Bài viết kế tiếp, tôi sẽ giúp các bạn kỹ thuật ghi chú bài giảng nhanh, kỹ thuật mindmap giúp nhớ bài và tóm tắt các tình huống.
Cám ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc đến đây. Điều này chứng tỏ các bạn có một mindset rất mở và tích cực học hỏi. Tôi tin bạn sẽ học tốt và thành công.
Việt QC
cảm ơn Thầy vì bài viết rất thiết thực.
Trả lờiXóaBài viết của Thầy rất ý nghĩa! Em cảm ơn Thầy rất nhiều!
Trả lờiXóaNhân đây Thầy cho em hỏi, với người đã đi làm rồi thì làm sao để nuôi dưỡng năng lực tự học ạ?