Nguồn:www.academiccomposition.com |
Các bạn xem link gốc bài viết tại : http://khoahocviet.info/site/index.php/nckh/3-ppnckh/4-dao-van-nhin-tu-goc-do-xuat-ban-khoa-hoc
Dưới đây là nội dung của bài viết:
"Thời gian gần đây, dư luận trong và ngoài nước đang xôn xao về những vụ việc “đạo văn”, với khá nhiều luồng ý kiến đa chiều. Ở đây, người viết xin mạo muội trình bày quan điểm của mình xét ở góc độ xuất bản khoa học, mong góp thêm một tiếng nói làm sáng tỏ vấn đề hơn. Bài viết bắt đầu từ việc làm rõ các khái niệm cơ bản, tiếp theo là tóm lược những quy tắc học thuật áp dụng trong các ấn bản khoa học, để từ đó hướng đến vấn đề đánh giá hành vi “đạo văn” cũng như đi tìm giải pháp tổng thể cho nền khoa học nước nhà.
1. “Đạo văn” là gì?
Trong giới khoa học quốc tế, hành vi “đạo văn” trong khoa học thường được gọi là plagiarism (danh từ) hay plagiarise (động từ). Trong tiếng Anh, động từ plagiarise có nghĩa là sao chép ý tưởng, ngôn từ hay thành quả của người khác và làm như đó là của mình(1).
Trong tiếng Việt, khái niệm “đạo văn” được định nghĩa là: Lấy, hoặc căn bản lấy sáng tác văn học của người khác làm của mình(2). Mở rộng ra trong nghiên cứu khoa học, có thể gọi là “đạo văn khoa học” đối với hành động lấy hoặc căn bản lấy thành quả khoa học của người khác làm của mình.
Như vậy, về mặt ngôn ngữ nói chung, có thể hiểu plagiarism trong tiếng Anh tương ứng với nghĩa mở rộng đạo văn khoa học trong tiếng Việt. Ở đây chỉ tạm đề cập đến yếu tố ngôn ngữ. Yếu tố học thuật sẽ được bàn đến ở phần sau.
2. Những quy tắc cơ bản về trích dẫn trong các ấn bản khoa học
Khi nhà nghiên cứu khoa học có phát kiến mới trong chuyên ngành và muốn công bố, họ thường cần phải dùng các kết quả, ý tưởng, học thuyết,... (gọi chung là thông tin khoa học) đã biết của những người đi trước để làm cơ sở cho các lập luận của mình. Khi sử dụng thông tin khoa học của người khác, có nhiều chỗ người viết cần trích lại thông tin gốc theo đúng như nguyên bản hoặc bằng cách diễn đạt lại theo một ngôn ngữ khác mà không làm thay đổi ý nghĩa nội dung thông tin, đồng thời chú dẫn rõ nguồn gốc thông tin đó. Hành động này gọi chung là trích dẫn tham khảo.
Trong khoa học, có những quy tắc hết sức chặt chẽ đối với việc trích dẫn tham khảo. Sự chặt chẽ trong các quy định đó là nhằm:
-
thể hiện sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ đối với tác giả thông tin gốc;
-
hạn chế tình trạng đạo văn khoa học;
-
giúp người đọc xác định dễ dàng các nguồn tài liệu tham khảo mà tác giả đã sử dụng.
3. Các hình thức trích dẫn tham khảo
Một mẩu trích dẫn tham khảo là một câu hay một đoạn văn được rút ra từ một tài liệu khác để minh hoạ, bảo vệ quan điểm, ý kiến trong bài viết của mình. Khi trích dẫn tham khảo một thông tin khoa học, bắt buộc phải dẫn ra nguồn cung cấp thông tin đó mà không có ngoại lệ cho dù đó là nguồn thông tin nào (sách, báo, bách khoa thư, tài liệu nghe nhìn, trang web,...) hay thể loại thông tin nào (ý kiến, nhận xét, thảo luận, kết luận, hình ảnh, biểu đồ, bảng biểu, số liệu thống kê,...).
Trong khoa học, có hai hình thức trích dẫn tham khảo chính. Mẩu trích dẫn được gọi là trích dẫn nguyên văn khi được sao chép lại như nguyên bản; đoạn trích nguyên văn thường đặt trong dấu ngoặc kép. Còn nếu thông tin gốc được diễn đạt lại bằng một cách khác, không giống về hình thức, câu chữ, nhưng vẫn trung thành với nội dung nguyên bản, thì đó là trích dẫn diễn ngữa. Trong cả hai hình thức trích dẫn, tác giả hoặc nguồn tài liệu gốc đều phải được ghi rõ ngay sau mẩu trích dẫn.
Ngoài ra, còn một dạng trích dẫn đặc biệt cần lưu ý, đó là trích dẫn gián tiếp. Đây là cách trích dẫn những thông tin mà người viết không có được bằng cách tham khảo chính tài liệu gốc, mà chỉ biết qua mẩu trích dẫn trong tài liệu (của một tác giả khác) mình đọc được. Ví dụ: Françoise Barré-Sinoussi và cộng sự công bố phát hiện ra virus gây bệnh AIDS trên tập san Science năm 1983; giáo sư A. đọc bài báo này và viết về điều đó trong giáo trình của mình; sinh viên B. đọc giáo trình của giáo sư A. và ghi lại điều đó trong bài báo cáo của mình, nhưng chưa hề được đọc nguyên bản bài báo gốc của Barré-Sinoussi và cộng sự. Trường hợp này gọi là trích dẫn gián tiếp.
4. Các kiểu trích dẫn tham khảo
4.1. Kiểu cước chú
Trong tài liệu khoa học, trích dẫn tham khảo theo kiểu cước chú là cách đánh số cho từng ý hay đoạn trích trong bài bằng các con số, gọi là “số cước chú” (footnote number), sau đó ghi biểu chú dẫn ngay ở dưới chân trang có số cước chú tương ứng.
Trích dẫn cước chú thường dùng trong trích dẫn nguyên văn, với số cước chú nằm ngay sau dấu câu cuối cùng của đoạn trích và trước dấu ngoặc kép đóng mẩu trích dẫn. Thông thường, số cước chú được “treo” trong đoạn văn bản dưới dạng luỹ thừa, có hay không có ngoặc đơn. Số cước chú có thể được đánh theo thứ tự trong từng trang hay liên tục giữa các trang trong toàn bộ tài liệu. Trong quá trình trích dẫn, có nhiều trường hợp trích dẫn khác nhau, và quy cách viết cước chú trong từng trường hợp cụ thể được quy định rất chi tiết trong bộ tiêu chuẩn ISO 690:1987(3).
Trong các văn bản thông thường, hoặc trong một số trường hợp ở các văn bản khoa học, kĩ thuật cước chú cũng thường được dùng cho các mẩu ghi chú, nhằm diễn giải thêm các ý nằm ngoài nội dung chính của tài liệu. Các ghi chú thông thường này có thể cũng dùng số cước chú hoặc dùng kí hiệu khác để thay thế.
4.2. Kiểu hậu chú
Trích dẫn tham khảo theo kiểu hậu chú là một dạng khác của trích dẫn cước chú, chỉ khác ở hai điểm cơ bản là tất cả các biểu chú dẫn được tập trung ở cuối bài, và số thứ tự được đánh liên tục.
4.3. Kiểu Vancouver
Đây là một kiểu trích dẫn truyền thống, đã được sử dụng từ rất lâu trong các ấn bản khoa học, còn gọi là “hệ thống trích dẫn theo thứ tự tham khảo” (citation order system). Kiểu trích dẫn này ra đời từ cuộc họp của một nhóm tạp chí y khoa tại Vancouver (Canada) năm 1978, nhằm thiết lập một hệ thống các quy tắc trình bày tham khảo cho các bản thảo gửi đăng trên các tạp chí của mình.
Khi trích dẫn theo kiểu Vancouver, mẩu trích dẫn được đánh số theo thứ tự trích dẫn trong bài viết; số này được đặt trong ngoặc đơn, liền sau mẩu trích dẫn. Tất cả các tài liệu được trích dẫn trong bài viết đều phải có tên trong danh mục tài liệu tham khảo ở cuối bài, xếp theo đúng thứ tự trích dẫn. Kiểu Vancouver còn có các quy tắc đặc biệt áp dụng trong một số tình huống trích dẫn khác nhau, như khi cần dẫn nhiều tác giả/tài liệu. Đồng thời, cách ghi các biểu tham khảo trong danh mục này được quy định rất chi tiết, ứng với từng thể loại tài liệu khác nhau(4).
4.4. Kiểu Harvard
Đây là một kiểu trích dẫn đang được sử dụng ngày càng phổ biến, còn được gọi là “hệ thống trích dẫn tác giả - năm” (author-date system). Cách ghi trích dẫn theo kiểu “tác giả - năm” được một số tổ chức lớn về tiêu chuẩn hoặc khoa học khuyến cáo sử dụng, như Viện Tiêu chuẩn Anh quốc (BSI), Hiệp hội Tâm lí học Hoa Kì (APA), Hiệp hội Ngôn ngữ Hiện đại (MLA),... Dù mang tên Harvard, hệ thống quy tắc trích dẫn này lại không phải là do trường Đại học Harvard chính thức lập ra, và hiện vẫn chưa có giả thiết chắc chắn nào về nguồn gốc tên gọi này.
Trích dẫn theo kiểu Harvard hay hệ thống trích dẫn tác giả - năm có hai đặc trưng cơ bản:
-
xếp danh mục tài liệu tham khảo theo thứ tự chữ cái tên nhận diện của tác giả(b), không cần đánh số thứ tự;
-
chú thích tên tác giả và năm xuất bản tài liệu, đặt trong ngoặc đơn, ngay sau mẩu trích dẫn.
4.5. Kiểu hỗn hợp thứ tự số và chữ cái
Đây là một dạng kết hợp giữa kiểu Harvard và kiểu Vancouver, với hai đặc điểm chính:
-
trình bày danh mục tài liệu tham khảo giống như kiểu Harvard, nhưng có đánh số thứ tự;
-
khi trích dẫn trong bài viết, không ghi tên tác giả và năm, chỉ ghi số thứ tự của tác giả/tài liệu trong danh mục tham khảo (tức giống như kiểu Vancouver), và con số này được đặt trong ngoặc đơn hoặc ngoặc vuông.
Dù có quy định chi tiết theo từng kiểu khác nhau, nhưng trong tài liệu khoa học không phải bất kì lúc nào cũng cần trích dẫn tham khảo. Thực ra, chỉ nên trích dẫn để:
-
bảo vệ quan điểm, luận cứ khoa học;
-
nêu ví dụ, dẫn kết quả, số liệu, hình ảnh,... đã được công bố, kiểm chứng hay thừa nhận;
-
tóm tắt các ý kiến, giả thuyết, kết luận của các tác giả khác.
-
những chi tiết nhỏ;
-
nguyên văn các đoạn dài vốn có thể tóm tắt ngắn gọn hoặc lược bỏ các ý không cần thiết;
-
những ý có thể tự diễn đạt mà không lấy từ ý tưởng của người khác;
-
những kinh nghiệm, ghi nhận, ý kiến của bản thân (trừ khi dẫn từ các tài liệu đã công bố);
-
những kiến thức đã trở thành phổ thông.
Theo chu trình này, các nhà khoa học sau khi tìm ra được cái mới trong đề tài nghiên cứu của mình sẽ công bố điều đó theo nhiều cách khác nhau, trước tiên là qua các cuộc trao đổi không chính thức như nói chuyện trực tiếp hay qua thư từ, điện thoại,... với đồng nghiệp. Các thông tin ở giai đoạn này có thể được dùng để trích dẫn dưới dạng “thông báo cá nhân” hoặc “trao đổi cá nhân” (personal communication). Nếu một ý tưởng nghiên cứu bị “ăn cắp” qua các cuộc trao đổi cá nhân như thế này thì cũng có thể coi đó là dạng thức sơ khai của hành vi đạo văn khoa học.
Một cấp độ có tính chất chính thức hơn, đó là các cuộc hội thảo hay báo cáo nghiên cứu trong một phạm vi hẹp (thường là ở ngay đơn vị thực hiện đề tài nghiên cứu). Các luận văn khoa học được bảo vệ trong khuôn khổ của một chương trình đào tạo (đại học, cao học, tiến sĩ) hay các báo cáo đề tài nghiên cứu và báo cáo kĩ thuật chuyên sâu, thường được gọi với tên chung là “văn liệu xám” (grey literature) là hình thức phổ biến nhất trong giai đoạn này. Văn liệu xám có yêu cầu nghiêm ngặt trong trích dẫn tham khảo và trình bày danh mục tài liệu tham khảo, vì điều đó thể hiện tính chất nghiêm túc và mức độ tin cậy của kết quả nghiên cứu thu được; và khi được tham khảo trong các tài liệu khác thì văn liệu xám cũng cần phải được trích dẫn chính xác. Hành vi đạo văn khoa học tại thời điểm này thường khó kiểm soát nhất, bởi tính chất phổ biến trong phạm vi hẹp của công trình nghiên cứu.
Ở cấp độ chuyên sâu hơn, kết quả nghiên cứu sẽ được trình bày trong các hội nghị khoa học lớn (thường được tổ chức định kì, do các tổ chức khoa học lớn đảm nhiệm) hay đăng trên các tạp chí chuyên ngành có cơ chế bình duyệt (peer-review), thường trong phạm vi thời gian từ một đến ba năm. Các kết quả nghiên cứu chuyên sâu dạng này là cơ sở cho các nghiên cứu khác giải quyết những vấn đề lân cận, hoặc bổ sung hoặc bác bỏ các giả thuyết được người khác nêu ra. Về mặt học thuật, trích dẫn và trình bày tham khảo trong các tài liệu loại này là điều bắt buộc, thậm chí còn được kiểm soát một cách khắt khe. Rất nhiều tạp chí trong cùng lĩnh vực đã cùng nhau lập ra các bộ quy tắc và chuẩn mực trình bày riêng cho các bài gửi đăng trên tạp chí của mình. Và không ít tác giả gửi đăng bài trên các tạp chí này đã bị loại ngay từ khâu tiếp nhận bản thảo chỉ vì không tuân thủ các quy tắc trình bày mà họ đặt ra(7).
Sau một thời gian, thường trong khoảng 3-5 năm, lượng kiến thức chuyên sâu công bố trong các hội nghị khoa học lớn hay trên các tạp chí chuyên ngành trở nên ổn định. Và vai trò của các chuyên gia đầu ngành thể hiện rất rõ ở thời điểm này, vì chính họ là người thực hiện các bài đánh giá tổng quan (review), hệ thống hoá những kết quả nghiên cứu chuyên sâu trong chuyên ngành của mình, rồi khái quát hoá thành những kiến thức chung. Cả các kiến thức chuyên sâu và kiến thức chung đã ổn định được kết hợp với nhau để đưa vào các “sách chuyên khảo” (monograph), thường do một chuyên gia chấp bút, hoặc đứng chủ biên, điều phối một nhóm tác giả khác. Tuỳ đặc thù của mỗi chuyên ngành (thường khác biệt khá lớn giữa hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội), các tác giả sách chuyên khảo có thể chọn cách trích dẫn nghiêm ngặt theo một kiểu thống nhất (cước chú, hậu chú, Vancouver, Harvard hay hỗn hợp) hay là không. Đặc biệt, đối với các sách chuyên khảo đề cập những vấn đề có tính chất tổng hợp và khái quát hoá từ nhiều kết quả riêng lẻ khác nhau, kết hợp tất cả thành một chỉnh thể lớn hơn, chứ không phải chỉ là sự sao chép đơn thuần những gì người khác viết rồi đặt vào cạnh nhau, thì việc trích dẫn từng chi tiết là không cần thiết. Nói nôm na, các nhà nghiên cứu khác nhau là tác giả của những mảnh ghép khác nhau; và chuyên gia viết sách là người sắp xếp, phối hợp các mảnh ghép đó lại thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Tuy vậy, toàn bộ các tài liệu cung cấp thông tin, kết quả cho tác giả sử dụng đều cần phải được liệt kê trong một danh mục ở cuối sách. Danh mục này nên được gọi với một tên khác là thư mục (bibliography trong tiếng Anh, bibliographie trong tiếng Pháp), để phân biệt với danh mục tài liệu tham khảo dùng để liệt kê các tài liệu có trích dẫn trong bài viết. Thậm chí, nếu kĩ lưỡng hơn, tác giả còn có thể lập thư mục ở cuối từng chương/phần chứ không chỉ ở cuối sách.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng, trong sách chuyên khảo có những trường hợp phải luôn tôn trọng việc trích dẫn, đó là khi trích dẫn nguyên văn và khi dẫn giải các thể loại thông tin đặc biệt như số liệu thống kê, hình ảnh, biểu đồ,... Đọc các sách chuyên khảo có tính học thuật cao, ta có thể thấy các bảng số liệu, hình ảnh, biểu đồ,... thường được chú dẫn nguồn gốc rõ ràng. Và cả với các bảng số liệu tổng hợp từ nhiều người, hay các hình ảnh, biểu đồ của người khác nhưng người viết có điều chỉnh so với nguyên bản thì cũng đều có ghi chú cẩn thận, với sự cho phép của tác giả gốc. Đây không chỉ là vấn đề học thuật, mà còn là vấn đề luật pháp về quyền sở hữu trí tuệ. Ở điểm này, xét một cách chi tiết đối với các ấn bản khoa học trong nước thì quả là còn rất nhiều việc phải làm. Ngay cả bộ sách giáo khoa phổ thông vốn vẫn được hiểu ngầm là “pháp lệnh” mà còn chưa tôn trọng điều này, thì con đường thực thi luật pháp về sở hữu trí tuệ đối với lĩnh vực xuất bản khoa học e rằng còn lắm chông gai!
Tiếp tục chu trình xuất bản thông tin khoa học, ở giai đoạn cuối, sau các sách chuyên khảo, những kiến thức có tính ổn định cao và được thừa nhận rộng rãi sẽ được tập hợp lại để đưa vào các “sổ tay chuyên ngành” (handbook, manual). Thông tin trong các tài liệu dạng này thường có độ ổn định trong khoảng 5-10 năm. Ở thời gian dài hơn nữa, sau hơn 10 năm, những kiến thức ổn định nhất có thể đi vào các “bách khoa thư” (encyclopedia). Việc trích dẫn và liệt kê tham khảo trong các tài liệu loại này cũng tương tự như các sách chuyên khảo: tuỳ thuộc vào nội dung và mục đích trình bày của tác giả, cũng như vào thể loại thông tin được sử dụng.
Và
cuối cùng, các kiến thức bách khoa dần dần trở thành kiến thức phổ
thông, được phổ biến trong các sách khoa học thường thức hay trên báo
chí đại chúng bằng ngôn ngữ gần gũi và dễ hiểu đối với tất cả mọi người.
Trên cơ sở kiến thức phổ thông đương thời, cùng với tri thức chuyên môn
của mình, nhà nghiên cứu lại tìm thấy các vấn đề mới cần nghiên cứu và
chu trình xuất bản thông tin khoa học lặp lại ở một cấp độ cao hơn, như
một bước mới trên vòng xoắn lò xo. Nhờ đó mà trình độ nhận thức khoa học
của loài người càng ngày càng đi tới, trên cơ sở đạo đức học thuật, tôn
trọng và kế thừa thành quả khoa học của người đi trước.
6. Giới hạn nào cho việc biên dịch tài liệu nước ngoài?Việc biên dịch tài liệu khoa học nước ngoài sang tiếng Việt, đặc biệt là các giáo trình kinh điển hay sách chuyên khảo ở mỗi chuyên ngành, là một việc khá quan trọng, giúp sinh viên trong nước có thể tiếp cận được nguồn thông tin đa dạng, phong phú và chuyên sâu từ các nước có trình độ phát triển cao hơn. Khi sử dụng các tài liệu tiếng nước ngoài trong công tác xuất bản sách và giáo trình trong nước, có hai cách làm chính:
-
chỉ thuần tuý biên dịch sao cho hoàn chỉnh và chính xác về ngôn ngữ
và nội dung chuyên môn: cần giữ nguyên tên tác giả gốc và chỉ bổ sung
tên người biên dịch vào bản dịch mà thôi, nhưng trường hợp này đòi hỏi
phải thoả thuận về bản quyền với tác giả gốc;
-
tổng hợp thông tin và dữ liệu trong nguyên bản, phối hợp với các kết
quả nghiên cứu và kinh nghiệm cá nhân để biên soạn lại thành sách/giáo
trình riêng: khi đó, tài liệu nước ngoài cũng giống như các tài liệu
khác được tham khảo khi viết sách, tác giả không bắt buộc phải trích dẫn
trong nội dung viết, nhưng cần có liệt kê trong thư mục ở cuối sách.
Mặt khác, cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng điều kiện nghiên cứu cũng như công tác xuất bản khoa học trong nước còn nhiều hạn chế. Có nghĩa là, số nhà khoa học thực sự có nhiều kinh nghiệm, đủ trình độ để tự viết ra sách hay giáo trình mới hoàn toàn, không có bất cứ sự trùng lặp nào về cấu trúc ý tưởng trình bày vấn đề so với các giáo trình kinh điển nước ngoài mà họ đã học qua và sử dụng trong nhiều năm, có lẽ không quá ít, nhưng chắc là chưa nhiều so với nhu cầu của người học và giới nghiên cứu. Nếu cứ tiếp tục tình trạng “người người viết sách, nhà nhà in sách” như hiện nay, trong đó rất nhiều giáo viên tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, hay kinh nghiệm nghiên cứu chưa đủ chín muồi, cũng vẫn được mời tham gia viết sách, soạn giáo trình, họ có cách nào khác hơn là đọc sách của người khác rồi biên dịch, sao chép hay “xào nấu” lại?
7. Giải pháp nào cho tình hình hiện tại?
Yếu tố quyết định tính chất đạo văn khoa học ở đây là hành vi có mục đích muốn lấy thành quả khoa học của người khác làm thành của mình. Cùng một hành vi không trích dẫn tham khảo, có người, nhất là những người có chức danh, học vị, đương nhiên phải biết rõ các quy tắc trích dẫn tham khảo, thì bị coi là đạo văn khoa học;
nhưng có người thì chỉ bị xem là vi phạm các quy tắc trích dẫn, đặc
biệt là khi họ không có ý định biến thông tin đó thành của mình (thường
gặp khi viết tổng quan tài liệu) mà chỉ là vì trước đó họ chưa được dạy cặn kẽ để tuân theo các quy tắc này.
Ở các nước có trình độ khoa học phát triển, họ thường có hệ thống quy tắc trích dẫn và
trình bày tham khảo khoa học rất chặt chẽ. Mọi sinh viên khi bắt tay
vào làm công tác nghiên cứu đều phải học phương pháp nghiên cứu khoa
học, trong đó khâu trích dẫn và trình bày tham khảo khoa học là một phần
rất quan trọng. Ngoài ra, bộ phận thư viện của các trường đại học cũng
phát triển rất nhiều hoạt động hỗ trợ, cung cấp nhiều tài nguyên hướng
dẫn cho sinh viên và nhà nghiên cứu có thể làm tốt công việc này. Trích
dẫn và trình bày tham khảo khoa học đã trở thành chuẩn mực, lề lối trong
nghiên cứu và xuất bản khoa học. Ý thức đạo đức học thuật luôn được đề
cao. Chính vì vậy mà “quên trích dẫn” hay “trích dẫn sai” có thể bị xem
là hành vi đạo văn khoa học. Từ đó mà các học giả ở những nước này đã đưa ra nhiều cách xác định các mức độ hay thể loại đạo văn khoa học.
Tuy nhiên, không thể đem áp dụng tuyệt đối các cách phân loại này vào hoàn cảnh Việt Nam hiện tại được. Vì sao?
Mặc
dù dư luận xã hội nói chung và giới khoa học nói riêng đã có rất nhiều ý
kiến trao đổi, từ nhẹ nhàng tới phê bình thẳng thắn về các vụ đạo văn khoa học
bị phát hiện gần đây. Tuy vậy, vẫn cần phải nhìn nhận vấn đề trong bối
cảnh tổng thể của nó. Vi phạm thì hẳn đã là vi phạm! Xử lí đến đâu, đó
là việc của những người có thẩm quyền. Và xử lí người này xong thì sẽ
lại “dắt dây” thêm đến bao nhiêu người khác, chưa ai dám chắc chắn. Tính
nghiêm minh của pháp luật và hệ thống quản lí ngành đang đối diện với
sự thách thức ghê gớm của những hệ luỵ tiềm tàng khó lường.
Để trả lời câu hỏi vì sao ở trên, cần đặt một câu hỏi ngược lại: những vi phạm phổ biến này bắt nguồn từ đâu? Phải chăng chỉ do không có chế tài? Cách đây ba năm, trong một cuộc khảo sát nhỏ(c),
người viết đã thu được một kết quả đáng suy ngẫm: chỉ 20 % số học viên
cao học được khảo sát cho biết có được học về phương pháp khảo cứu tài
liệu khoa học, tức là cách sử dụng tài liệu của người khác trong công
việc nghiên cứu của mình; hơn 85 % hiểu sai hay không nhớ đủ các quy tắc
trích dẫn tham khảo; 100 % không phân biệt được thế nào là trích dẫn tham khảo và thế nào là danh mục tài liệu tham khảo.
Điều đó phản ánh một thực tế rằng, những nhà khoa học tương lai, ngay
từ khi mới bước chân vào “toà tháp ngà học thuật”, đã không được trang
bị những hiểu biết cơ bản nhất: rèn luyện đạo đức học thuật bằng cách
tôn trọng các tác giả khác, bằng cách học cho nhuần nhuyễn các quy tắc
trích dẫn và trình bày tham khảo khi viết bất cứ một tài liệu khoa học
nào.
Nhà
quản lí ngành đã làm gì chưa trong việc thiết lập các quy tắc và chuẩn
mực này đối với nền khoa học và giáo dục của nước nhà? Nơi có thẩm quyền
cao nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ quy định một cách chung
chung cho một số trường hợp, trong phụ lục của một tài liệu... lưu hành
nội bộ (?!). Khi không có quy tắc và chuẩn mực, thì chuyện mỗi người làm
một kiểu, vi phạm đạo đức học thuật tràn lan là không thể tránh khỏi.
Nói về vấn đề này, Felix M. Berraro(8) cho rằng có rất nhiều yếu tố tác động đến hành vi đạo văn khoa học
hay vi phạm đạo đức học thuật, nhưng giải pháp căn cơ thì chỉ có một:
mọi thành viên tham gia vào cộng đồng khoa học, từ sinh viên cho đến
giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà quản lí và cả các nhà tài trợ, đều phải
cùng nhau đi đến chỗ thống nhất về chính sách và quy trình, biểu hiện
qua các chuẩn mực về đạo đức học thuật, nhằm bảo đảm tính “liêm chính
học thuật” (academic integrity) và sự cân bằng trong các mục tiêu đánh giá năng lực giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ./.
===Chú dẫn:
(1) Hornby AS, Wehmeier S (eds). 2005. Oxford Advanced Learner's Dictionary of Current English. Oxford University Press, p. 1106.
(2) Hoàng Phê (chủ biên). 2001. Từ điển tiếng Việt. Hà Nội: Trung tâm Từ điển học, tr. 290.
(a) “Diễn ngữ” ở đây được tạm dịch theo khái niệm paraphrase (trong tiếng Anh và tiếng Pháp), nghĩa là diễn đạt lại những gì người khác nói hay viết bằng ngôn từ khác đi, đặc biệt là nhằm để làm cho vấn đề trở nên dễ hiểu hơn.
(3) International Organization for Standardization [ISO]. 1987. ISO 690:1987 : Documentation -- Bibliographic references -- Content, form and structure.
(4) University of Queensland Library. 2006. References/Bibliography : Vancouver Style [trực tuyến]. Địa chỉ truy cập: [tham khảo ngày 04/10/2006].
(b) Với các tác giả phương Tây, “tên nhận diện” ở đây cần hiểu là “họ”, tức family name trong tiếng Anh hay nom de famille trong tiếng Pháp.
(5) University of Queensland Library. 2005. References/Bibliography : Harvard Style [trực tuyến]. Địa chỉ truy cập: [tham khảo ngày 04/10/2006].
(6) Passerieux C, Verreault L. 2003. InfoSphère [trực tuyến]. Version 3 [Mise à jour le 8-02-2010]. Service des bibliothèques, Université de Québec à Montréal. Địa chỉ truy cập: [tham khảo ngày 19/04/2010].
(7) Dubois JMM. 2005. La rédaction scientifique : Mémoires et thèses : forme régulière et par articles. Paris: ESTEM.
(c) Xem chi tiết tại địa chỉ http://khoahocviet.info/meresci/files/analyse.pdf.
(8) Berraro FM. 1989. Scientific norms and research publication issues and professional ethics. Sociological Inquiry, 59(3): 249-266."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét