Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Thị trường Việt, Sabeco và doanh nghiệp Thái

Về quê nghỉ cuối năm, trời lạnh quá lại múa bàn phím một bài.
Lưu ý: bài đọc giải trí, ngôn ngữ bình dân, không trích dẫn và tham khảo

Cách đây 3 năm, thời điểm VN chuẩn bị ký hiệp định AEC, Tôi đã trao đổi cùng các sinh viên về tính hai mặt mà hội nhập mang lại. Ngày 31/12/2015, VN ký hiệp định, chính thức hoà mình vào khối AEC, từ thời điểm này trở đi, những tin tức về doanh nghiệp Thái thâu tóm các doanh nghiệp VN bắt đầu lan toả. Đầu tiên là sự kiện một ông Thái mua cổ phần Nguyễn Kim. Tiếp đó là một ông Thái mua Metro, Big C. Năm sau lại là ông Thái chen chân vào Vinamilk. Mấy ngày gần đây là sự kiện Sabeco bán gần 54 % vốn cho một ông tỷ phú Thái khác.
Trong khi giới trẻ Việt vẫn còn loay hoay với chuyện VN khi nào đá bóng thắng Thái Lan ở sân chơi ao làng thì đâu đó ở khắp các siêu thị ở thành phố, hàng Thái Lan tràn ngập đánh bật hàng Việt về nông thôn. Hàng tuần, hàng tháng, người tiêu dùng dễ dàng mua được hàng Thái với giá rẻ, chất lượng chấp nhận được ở các hội chợ xúc tiến thương mại hàng Thái Lan ở TpHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… Doanh nghiệp Thái đã chuẩn bị cho hội nhập từ trước khi sinh viên các trường kinh tế và doanh nghiệp VN hiểu ra hội nhập là gì. Hội nhập như là sự mất đi của thị trường trong nước nếu như doanh nghiệp nội quá yếu.
Có lẽ các bạn sẽ thắc mắc: Tại sao VN phải hội nhập? Tại sao Chính phủ không làm gì trước tình trạng bị mất thị trường? Tại sao công ty vốn nhà nước lại bán đi phần vốn ở Vinamilk, Sabeco – những thương hiệu Việt lớn đang chiếm thị phần và tình cảm của người tiêu dùng trong nước.


Câu trả lời khá đơn giản. Trong bối cảnh một nền kinh tế hội nhập toàn cầu, bất kỳ một quốc gia nào cũng phải hoà mình vào một sân chơi chung nếu không muốn bị cô lập/ tự mình cô lập (Bắc Triều Tiên là ví dụ điển hình). VN phải hội nhập nếu như không muốn bị tụt hậu quá xa so với phần còn lại của thế giới. Muốn hội nhập, VN phải cam kết mở cửa nền kinh tế, dần dần gỡ bỏ các rào cản và điều kiện quan trọng nhất đó là nền kinh tế phải tuân thủ một nền kinh tế thị trường, không có sự can thiệp thô bạo vào thị trường bởi các doanh nghiệp nhà nước.
Do vậy, thật dễ hiểu để thấy chính phủ VN không có nhiều sự lựa chọn. Sau năm 1975, nhà nước sở hữu toàn bộ các doanh nghiệp. Sau 10 năm siêu lạm phát đi kèm với tem phiếu và bo bo, vai trò của nhà nước trong việc kiểm soát nền kinh tế qua sự phân phối không khác gì thời kỳ đồ đá đã suýt chút nữa mang con người trở về giai đoạn đập đá ra lửa. Vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước ngày càng bộc lộ những điểm chết mà các quốc gia phát triển đã nhận ra từ hàng trăm năm trước: doanh nghiệp nhà nước không những không tạo ra lợi nhuận, làm trì trệ các ngành công nghiệp, kiềm hãm sự cạnh tranh mà còn làm các doanh nghiệp tư nhân không ngóc đầu lên nổi. Kết quả là sau năm 1995, VN buộc phải mở cửa nền kinh tế, thừa nhận vai trò của doanh nghiệp tư nhân, ký hiệp định thương mại Việt Mỹ, gia nhập WTO, hồ hởi với APEC, hào hứng với TPP và nhiệt tình với AEC.
Để có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa (thế giới không hề có chữ định hướng XNCN nhé), các doanh nghiệp trước giờ thuộc sở hữu nhà nước phải cổ phần hoá và thoái vốn. Việc cổ phần hoá thiếu giám sát chặt chẽ và lợi ích nhóm đã mang lại hàng loạt vụ thất thoát tiền của mà thật ra số tiền này là của nhân dân. Chính phủ dường như mất kiểm soát và không thể chịu đựng thêm với Vinashin, Vinalines, Tổng công ty than và khoáng sản Việt Nam…, và thậm chí với Tổng công ty dầu khí VN - một công ty làm mỗi chuyện khai thác tài nguyên thiên nhiên để bán kiếm tiền mà vẫn làm thất thoát hàng nghìn tỷ. Các doanh nghiệp nhà nước dường như làm mỗi một việc rất hiệu quả đó là tạo thêm công ăn việc làm cho các luật sư, chánh án, công an và các nhà tù.
Vinamilk và Sabeco có lẽ là hai công ty hiếm hoi còn mang lại chút sĩ diện cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Một phần vì Vinamilk được lợi thế từ một thị trường có cầu quá lớn các sản phẩm từ sữa. Một phần, Vinamilk chưa có những con sâu đục khoét như những Vina khác. Nhiều năm Vinamilk được sự ủng hộ của người tiêu dùng Việt – đặc biệt là các gia đình có con nhỏ cần có sữa từ bò với giá phù hợp.
Sabeco lại là trường hợp khác. Với nền tảng vững chắc từ một công ty tư nhân của Pháp để lại từ trước 1975, sáp nhập hàng loạt các công ty yếu kém giai đoạn thập niên 90. Thống lĩnh gần 40 % thị phần đồ uống có cồn, một thị trường nội địa có người tiêu dùng uống bia nhiều hơn uống sữa với hàng trăm triệu lít hàng năm. Dễ hiểu khi có người nói rằng Sabeco có nhắm mắt bước đi, không cần chiến lược, không cần mục tiêu gì thì cũng cứ phát triển phà phà.
Vậy thì, việc thoái vốn khỏi hai doanh nghiệp đang ăn nên làm ra là một điều không có gì để thắc mắc(các công ty thua lỗ thì xin lỗi, có cho thì nhà đầu tư cũng không thèm, vướng vào những cái của nợ ấy làm gì?)
Một lý do nữa giải thích việc bán vốn cho nhà đầu tư ngoại liên quan đến cán cân thanh toán của Ngân hàng Trung ương (NHTW). Dự trữ ngoại hối theo số liệu cách đây một tuần của NHTW là 46 tỷ $, con số này sẽ tăng thêm 5 tỷ $ từ việc bán 54% cố phần tại Sabeco. Một con số khủng theo các chuyên gia tài chính bởi vì với tốc độ tăng trưởng hiện giờ thì một chục năm nữa chưa chắc Sabeco đã thu được lợi nhuận 5 tỷ $. Nên nhớ rằng, ngoại tệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với NHTW và Chính phủ VN. Một phần vì NHTW chỉ in được nội tệ (VNĐ), một phần dự trữ ngoại hối càng nhiều thì doanh nghiệp FDI càng có niềm tin và càng đầu tư vào VN, một khía cạnh khác là càng nhiều ngoại tệ thì càng dễ đi vay và khả năng trả nợ nước ngoài càng lớn. Vì vậy, nhiều người ủng hộ cho việc bán vốn Sabeco cho nhà đầu tư ngoại. Đường nào thì cũng phải bán, bán để hội nhập, bán để có ngoại tệ. Nếu bán được giá hời thì lại càng phải bán.
Bên cạnh đó là một vài lăn tăn của phe phản đối. Lập luận của phe phản đối trên khắp các trang mạng là thị trường Việt đã mất, thương hiệu Việt đã mất. Chính phủ kêu gọi nhà nhà, người người ủng hộ hàng Việt, đến khi thị phần tăng lên, nhà nước lại bán cho nước ngoài, cứ kiểu như lừa người tiêu dùng.
Cái gì mất thì nó đã mất. Phản đối hay không cũng chẳng được gì. Nó là quy luật tất yếu. Bởi vậy, Tôi không thuộc phe ủng hộ hay phản đối. Tôi chỉ nghĩ một chút về tương lai sắp tới của Sabeco:
-          Giá thành sản phẩm sẽ không giảm đi
-          Thị phần bia của Sabeco sẽ không giảm đi. Người uống bia vẫn cứ uống, tiếng la 123 dzô dzô trên đại lộ Phạm Văn Đồng, khu ăn nhậu Nguyễn Tri Phương, Trung Sơn… sẽ không hề giảm đi.
-          Tiền đầu tư của tỷ phú Thái sẽ mang lại phần lợi nhuận tương xứng (đừng bao giờ cho rằng đầu tư của một tỷ phú là sai lầm, kiến thức của một trường kinh tế kiểu Harvard cũng không dạy làm giàu được cho một cái đầu của tỷ phú)
Sabeco sẽ bắt đầu lỗ trên giấy bắt đầu từ năm sau (mặc dù lợi nhuận thực không giảm)

2 nhận xét: