Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Đôi dòng suy nghĩ khi Trump chính thức làm Tổng thống Hoa kỳ

Vậy là ngày Trump tuyên thệ đã trôi qua trước sự chào đón của hàng nghìn người dân Mỹ và hàng tỷ người dân trên toàn cầu. Bản thân Tôi cũng chờ đợi và theo dõi ngày này với những suy nghĩ kèm những trạng thái cảm xúc khác nhau.
Image result for trump
Nguồn: Marxist Student Federation



Đúng như kỳ vọng của Tôi, Mỹ luôn là quốc gia nói là làm (không như ai kia nói một đường làm một nẻo và cũng không như kia ai nói mà chẳng bao giờ làm). Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử sẽ rút Mỹ khỏi TPP và ngay ngày đầu tiên làm tổng thống, ông đã ký sắc lệnh tuyên bố này; thông báo sẽ cân nhắc lại hiệp định NAFTA đã từng ký với Mexico cũng như Canada. Hành động nói đi đôi với làm là bản sắc của Trump từ khi tranh cử cho đến khi đọc diễn văn nhậm chức. Ông tuyên bố: “We will no longer accept politicians who are all talk and no action – constantly complaining but never doing anything about it. The time for empty talk is over. Now arrives the hour of action” (tạm dịch – chúng ta sẽ không còn chấp nhận những chính trị gia chỉ biết nói mà không hành động, liên tục than vãn những chẳng biết làm gì với nó. Không còn thời gian nữa cho những lời nói rỗng tuếch. Bây giờ là thời khắc hành động). 
Cá nhân Tôi tin Trump dám nói và dám làm, Ông được mệnh danh là người độc tài, chẳng sợ ai. Bộc trực và thẳng thắn là tính cách xuyên suốt những giờ nói chuyện trước công chúng của Ông trong các chiến dịch tranh cử. Với những bằng chứng đó, Tôi có niềm tin mãnh liệt vào những gì Trump nói. Không như người bạn vàng luôn mở miệng nói những điều tốt đẹp nhưng luôn gây những hành động sai trái, chướng mắt.
Những gì Trump nói và làm sẽ bắt đầu cho một thời kỳ đi ngược với toàn cầu hóa. Chủ nghĩa bảo hộ có thể sẽ lên ngôi và nhiều người dân ủng hộ Trump vì điều này. Không phải là họ vô lý hết cả đâu. Họ tin vào lời phát biểu của Trump: “We will get our people off of welfare and back to work – rebuilding our country with American hands and American labor”. (Tạm dịch - Chúng ta sẽ giải thoát người dân khỏi sự trợ cấp và giúp họ trở lại làm việc – xây dựng lại đất nước với đôi tay Mỹ và lao động Mỹ). 
Ở quốc gia như Hoa kỳ, việc trợ cấp là điều thông thường đối với những ai không tìm được việc làm. Nhưng với bất kỳ ai có nhận thức và trình độ, việc nhận trợ cấp thất nghiệp không khác gì những vết dao cứa vào da thịt và vào lòng tự trọng của họ. Trump đã đánh trúng nỗi đau này. Lời hứa của Trump với những tuyên bố phản đối toàn cầu hóa đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân. Điều đó chứng tỏ rằng, bên trong nước Mỹ có những tổn thương mà người dân đã chịu đựng suốt thời kỳ của Bush, Clinton hay Obama. Những vết thương này cần được xử lý bởi Trump. Có lẽ, Trump có những bằng chứng ủng hộ cho quan điểm: toàn cầu hóa sản xuất không mang về lợi ích cốt lõi cho người dân Mỹ một cuộc sống hạnh phúc hơn với hàng hóa có giá cả rẻ hơn được gia công bên ngoài nước Mỹ. Bù lại, hàng nghìn vấn đề quốc gia phải đối mặt như dòng vốn FDI tuôn chảy ra ngoài, tình trạng mất việc làm không ngừng tăng lên. Sản phẩm chất lượng kém không được kiểm soát chặt chẽ từ Trung quốc và Mehico luôn là mối hiểm họa từ nhiều năm qua. Vì vậy, Ông tuyên bố: “We must protect our borders from the ravages of other countries making our products, stealing our companies, and destroying our jobs. Protection will lead to great prosperity and strength. I will fight for you with every breath in my body – and I will never, ever let you down.” (Tạm dịch: Chúng ta phải bảo vệ biên giới khỏi sự tàn phá của các nước đang làm sản phẩm của chúng ta, ăn cắp công ty của chúng ta, hủy hoại việc làm của chúng ta. Sự bảo vệ sẽ dẫn tới sự thịnh vượng và sức mạnh. Tôi sẽ chiến đấu cho các bạn bằng mỗi hơi thở - và Tôi sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng). 
Cá nhân Tôi không thể tin được một ngày nào đó Apple sẽ rút khỏi Trung quốc để về Mỹ. Cá nhân Tôi cũng không thể tin được một ngày nào đó Coca Cola hay 3M sẽ rút khỏi Việt nam. Cá nhân Tôi cũng không thể tin được hàng trăm công ty FDI của Mỹ khác sẽ rút vốn khỏi Việt nam để quay trở lại xứ cờ hoa để tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Nhưng chúng ta chẳng thể biết trước điều gì sẽ thay đổi ngoại trừ sự đổi thay. Có lẽ, Tôi sẽ thay đổi bài giảng của mình chăng? Đó là chuyện của tương lai. Còn quá sớm nhưng không quá muộn để chúng ta lường trước một viễn cảnh đầy những xáo trộn và rủi ro trên mọi khía cạnh đối với thế giới và Việt nam.
Điều mà Tôi ấn tượng nhất với diễn văn phát biểu của Trump đó là kêu gọi sự đồng lòng thông qua bản sắc dân tộc và tinh thần yêu nước: “We do not seek to impose our way of life on anyone, but rather to let it shine as an example for everyone to follow […] At the bedrock of our politics will be a total allegiance to the United States of America, and through our loyalty to our country, we will rediscover our loyalty to each other. When you open your heart to patriotism, there is no room for prejudice”. (Tạm dịch: Chúng ta không muốn áp đặt lối sống lên ai, nhưng để lối sống của ta tỏa sáng như tấm gương cho mọi người […] Cội rễ chính trị của chúng ta sẽ là sự trung thành tuyệt đối với Hợp chủng quốc Hoa kỳ, và thông qua sự trung thành với tổ quốc, chúng ta sẽ khai phá lại sự trung thành lẫn nhau. Khi bạn mở lòng cho tình yêu nước, sẽ không có chỗ cho thành kiến). Có lẽ Trump biết lòng người dân Mỹ đang hỗn loạn và chia rẽ. Sự chia rẽ này chỉ được xóa nhòa bởi tinh thần yêu nước vô bờ và bản sắc Mỹ không thể xóa nhòa. Tôi tin vào điều đó. Quốc gia này tồn tại hàng trăm năm qua với những cống hiến vĩ đại cho nhân loại (dĩ nhiên cũng để lại bao đau thương và mất mát cho loại nhân). Hãy chờ đợi Trump có gắn kết được lòng người như những tuyên bố của Ông không.

1 nhận xét:

  1. hay quá thầy, nhưng Mỹ lớn lên trong sự tự do kinh tế giờ đây lại sống trong sự bảo hộ thì không biết có còn là Mỹ nữa không ..?


    Trả lờiXóa